Thiết bị này được gọi là máy phát điện nano, dựa trên cơ chế kẹp hai miếng gỗ giữa các điện cực. Khi có người bước lên, các mảnh gỗ sẽ tích điện nhờ hiệu ứng điện ma sát, theo tờ The Guardian ngày 1.9.
Để tăng cường đặc tính điện ma sát của gỗ, các nhà nghiên cứu đã phủ một miếng gỗ bằng loại silicon có khả năng thu electron khi tiếp xúc, và trên miếng gỗ còn lại phủ các tinh thể nano có xu hướng mất đi electron.
Sau khi thử nghiệm nhiều loại gỗ khác nhau, họ phát hiện rằng gỗ vân sam (gỗ phổ biến trong xây dựng ở châu Âu) được cắt xuyên tâm có thể tạo ra lượng điện nhiều hơn 80 lần so với gỗ tự nhiên khác. Các nhà nghiên cứu sử dụng một mẫu sàn gỗ có diện tích nhỏ hơn một tờ giấy A4 và tạo ra đủ năng lượng cho đèn LED và các thiết bị điện tử nhỏ như máy tính. Thậm chí, nghiên cứu đã thắp sáng thành công một bóng đèn khi một người trưởng thành bước lên mẫu sàn gỗ thử nghiệm.
Theo giáo sư Nick Jenkins, trưởng nhóm nghiên cứu cung cấp và sản xuất năng lượng tái tạo tích hợp tại Đại học Cardiff (Anh), người không liên quan đến nghiên cứu, cần phải có sự chuyển động liên tục nếu để tạo ra một nguồn cung cấp năng lượng liên tục để chiếu sáng.
Ông Guido Panzarasa, tác giả của nghiên cứu tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ và Phòng thí nghiệm Liên bang Thụy Sĩ về khoa học và công nghệ vật liệu Dübendorf nói: “Mặc dù sản lượng điện của một thiết bị đơn lẻ không cao nhưng kết hợp nhiều thiết bị trên một hệ thống sàn lớn hơn sẽ có thể tạo ra một lượng năng lượng đáng kể”.
Bình luận (0)