Ông Murray Hiebert (Phó giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược - CSIS, Mỹ):
Việt Nam đã thực hiện rất tốt việc mở rộng quan hệ quốc tế khi đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Điều này tạo ra cho Việt Nam một vị thế quyết đoán hơn trong vấn đề chủ quyền Biển Đông. Với ASEAN, Việt Nam thời gian qua đã thể hiện một vai trò năng động hơn. Tuy nhiên Việt Nam cũng gặp phải thách thức lớn trong chính sách đối ngoại là nhiều nước, bao gồm cả Mỹ lẫn châu Âu, đang chuyển hướng tập trung nhiều hơn về các vấn đề nội bộ của họ.
Trong những năm tới, kinh tế vẫn là yếu tố then chốt và để đạt được các mục tiêu đẩy mạnh phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình cải cách và tăng cường hợp tác quốc tế.
PGS Stephen R.Nagy (chuyên ngành chính trị và quốc tế - Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, Nhật Bản):
Chính sách đối ngoại của Việt Nam suốt 5 năm qua đã đạt nhiều thành công trong việc mở rộng, tiếp cận các đối tác quốc tế. Trong đó, sự hợp tác toàn diện về kinh tế lẫn an ninh quốc phòng Việt - Nhật đã góp phần vào sự cân bằng trong khu vực khi hai bên cùng chia sẻ những giá trị chung. Tuy nhiên Việt Nam cũng đang chịu nhiều ảnh hưởng trong việc cân bằng giữa quan hệ song phương với Trung Quốc và tam giác địa chính trị Mỹ - Nhật - Trung.
Trong thời gian tới, một trong những thách thức của Việt Nam chính là việc còn tồn tại một số vấn đề chưa được thống nhất cao trong nội bộ ASEAN.
Ông Carl W.Baker (Giám đốc Diễn đàn châu Á - Thái Bình Dương, CSIS):
Việt Nam đã mở rộng quan hệ không chỉ ở ASEAN. Cách tiếp cận này đã giúp Việt Nam hình thành vai trò kết nối giữa các thành viên ASEAN và có một vị thế cân bằng ảnh hưởng hơn trong tương quan với các nước lớn. Ưu điểm của chính sách đối ngoại mà Việt Nam theo đuổi là tránh đối đầu với các cường quốc, đồng thời cải thiện quan hệ với nhiều đối tác khác. Cách tiếp cận này cũng giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Mặt khác, sức mạnh tập thể của ASEAN sẽ là nhân tố quan trọng để đảm bảo lợi ích của mọi thành viên trong khối.
TS Satoru Nagao (chuyên gia của Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản - giảng viên ngành an ninh tại Đại học Gakushuin):
Thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện một chính sách đối ngoại mạnh mẽ và khéo léo, ứng phó quyết đoán với nhiều diễn biến liên quan vấn đề chủ quyền. Việt Nam cũng đã thể hiện sự sẵn sàng cho những thay đổi mạnh mẽ của tình hình thế giới, khi tăng cường quan hệ với nhiều đối tác như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ và cả Trung Quốc. Việt Nam cũng thể hiện được vai trò quan trọng để duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thời gian tới, Việt Nam phải vượt qua một số thách thức như sự giằng co cán cân quyền lực Mỹ - Trung trong khu vực.
|
|
|
Việt Nam cũng đã ứng xử khéo léo, khai thác hiệu quả mối quan hệ với một số đối tác mới như xây dựng lòng tin với Mỹ, hợp tác quân sự với Ấn Độ. Cách thức tiếp cận khôn khéo giúp duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc trong vị thế tương xứng để đối tác hiểu rằng VN không chấp nhận từ bỏ bất cứ quyền lợi chính đáng, hợp pháp nào
|
|
|
Ông Ernest Bower
|
|
|
Ông Ernest Bower (Tổng giám đốc Công ty tư vấn Bower Group Asia, chuyên gia Đông Nam Á của CSIS):
Chính sách đối ngoại của Việt Nam những năm gần đây hướng đến thúc đẩy cân bằng địa chính trị và kinh tế châu Á. Trong đó, Việt Nam phải vừa hợp tác với Trung Quốc để phát triển nhưng cũng vừa phải đảm bảo vấn đề chủ quyền. Việt Nam đã đóng vai trò mạnh mẽ trong việc nỗ lực tăng cường vị thế của ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hướng đến đẩy mạnh quan hệ với nhiều đối tác quan trọng khác như Mỹ, Ấn Độ...
Rõ ràng, định hướng và hành động về đối ngoại của Việt Nam rất có tầm chiến lược. Việt Nam cũng đã ứng xử khéo léo, khai thác hiệu quả mối quan hệ với một số đối tác mới như xây dựng lòng tin với Mỹ, hợp tác quân sự với Ấn Độ. Cách thức tiếp cận khôn khéo giúp duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc trong vị thế tương xứng để đối tác hiểu rằng Việt Nam không chấp nhận từ bỏ bất cứ quyền lợi chính đáng, hợp pháp nào.
Trong thời gian tới, các bạn sẽ tiếp tục ứng phó với những thay đổi về chính trị thế giới. Điển hình là sự thay đổi có thể có trong chính sách về châu Á mà nước Mỹ đặt ra dưới thời ông Trump. Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách hiệu quả nhằm nâng cao sức cạnh tranh về kinh tế, duy trì vị thế quan trọng ở ASEAN. Vì thế, Việt Nam cần tiếp cận thận trọng với các thỏa thuận kinh tế như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tôi tin rằng hiệp định này sẽ tồn tại ở hình thức khác, có thể nó sẽ như các thỏa thuận song phương dưới thời ông Trump.
TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore):
Về các vấn đề gai góc như tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, chính sách của Việt Nam không ít thì nhiều cũng đã tự kiềm chế và thực thi dựa trên luật pháp quốc tế. VN cũng đã đóng vai trò tích cực hơn trong việc định hình trật tự an ninh châu Á và thúc đẩy hợp tác kinh tế. Cũng cần khẳng định chính sách ngoại giao quốc phòng của Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự gắn kết nhiều hơn với các đối tác ngoài khu vực. Những nỗ lực tăng cường hợp tác thông qua việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ cũng là bước tiến lớn.
Từ sau Chiến tranh lạnh, Việt Nam đã nhấn mạnh sự độc lập, hữu nghị, không liên minh, thúc đẩy hội nhập. Ưu điểm này mở ra nhiều cơ hội ngoại giao và hợp tác kinh tế lẫn an ninh quốc phòng. Tuy nhiên Việt Nam cũng không dễ dàng với việc duy trì sự cân bằng trong quan hệ với các cường quốc.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, GS Dwight Perkins, cựu Chủ nhiệm Khoa Kinh tế - Đại học Harvard (Mỹ) và là chuyên gia hàng đầu thế giới về mô hình kinh tế Đông Á, cũng đưa ra nhiều đánh giá về kinh tế Việt Nam.
Ông nhận xét: “So sánh với các nền kinh tế ở Đông Nam Á, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tích tốt. Sau 30 năm kể từ khi đổi mới, Việt Nam đã làm được nhiều điều tích cực như tạo ra một nền kinh tế thị trường, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo ra những cải cách về luật pháp để phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên một vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam là thực trạng của khối doanh nghiệp quốc doanh yếu kém tác động xấu đến hệ thống tài chính quốc gia và cản trở sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân”.
|
Bình luận (0)