Theo chuyên trang theo dõi tình hình động đất Volcano Discovery thống kê đến hôm nay 7.3, trong vòng 30 ngày qua đã có tổng cộng hơn 400 vụ động đất xảy ra ở Biển Đông và khu vực lân cận.
Cụ thể, trong đó có 6 vụ động đất ở mức từ 5 độ Richter trở lên, 22 vụ từ 4 - 4,9 độ richter, 63 vụ từ 3- 3,9 độ richter, 272 vụ từ 2-2,9 độ richter và 81 vụ ở mức độ dưới 2 độ richter.
Trong đó, vụ động đất mạnh nhất là 5,8 độ richter xảy ra vào ngày 23.2 ở vùng biển Celebes, vị trí tâm chấn cách tỉnh Gorontalo (Indonesia) khoảng 155 km về phía tây bắc. Còn tại Biển Đông, vụ động đất mạnh nhất trong 30 ngày qua mạnh 5,2 độ Richter xảy ra vào ngày 8.2, vị trí tâm chấn cách vùng San Antonio (tỉnh Zambales, Philippines) khoảng 142 km về phía tây.
Theo thang chia về mức độ ảnh hưởng của động đất, dưới 2 độ richter thì chưa gây ra cảm nhận cho con người, từ 3 độ richter trở lên thì có thể gây ra cảm nhận và thiệt hại nhẹ, từ 4 độ richter trở lên thì gây rung chuyển đồ vật, từ 5 độ richter trở lên có thể gây phá hủy một số công trình không kiên cố, và trên 6 độ richter thì có thể gây phá hủy mạnh trong bán kính hàng trăm km.
Theo một nghiên cứu khoa học được công bố vào cuối năm 2018, kể từ sau vụ sóng thần ở Ấn Độ Dương vào năm 2004, các hoạt động địa chất ở rãnh Manila, nằm ở khu vực Biển Đông tiềm ẩn các rủi ro có thể gây nên sóng thần ảnh hưởng trực tiếp đến một số nước như Việt Nam, Trung Quốc và Philippines.
Cùng nằm ở Thái Bình Dương, một trận động đất mạnh 8,1 độ Richter làm rung chuyển bờ biển phía đông bắc của New Zealand sáng 5.3, gây ra cảnh báo sóng thần cho khu vực.
Ngày 26.12.2004, trận động đất xảy ra dưới đáy biển ở Ấn Độ Dương đã kích hoạt một chuỗi các đợt sóng thần chết người lan tỏa khắp Ấn Độ Dương, những con sóng cao, thậm chí nhiều đợt sóng cao 30 m, đã tấn công vào khu vực ven biển ở Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar… Trận thiên tai đã khiến và những nơi khác, cướp đi sinh mạng của 225.000 người thuộc 11 quốc gia.
Bình luận (0)