Để ngăn cản, hoặc ít nhất thì cũng trì hoãn dự án này, Mỹ đã đưa ra luật trừng phạt những công ty, tổ chức hay cá nhân tham gia trực tiếp hoặc trợ giúp việc thực hiện dự án.
Phản ứng chính thức của phía Đức rất mạnh mẽ. Berlin phê phán Washington can thiệp vào chuyện nội bộ của Đức và EU. Tuy nhiên, Đức cũng như các nước thành viên EU khác tham gia dự án và cả EU nói chung đều không có ý đưa ra biện pháp nào đấy để đáp trả Mỹ. Trong khi đó, phía Nga cho biết sẽ hành xử theo kiểu “có đi, có lại” với Mỹ.
Sự khác biệt về cách đáp trả Mỹ giữa Nga và các đối tác châu Âu tham gia dự án Nord Stream 2 vì Nga phải hành động như vậy, trong khi các đối tác kia không cần như thế. Nga có lợi ích chiến lược to lớn và lâu dài với dự án trên, đồng thời cần giữ thể diện nên không thể để cho Mỹ muốn làm gì thì làm ở châu Âu.
Các đối tác còn lại kiềm chế đáp trả Washington, bởi về lý thuyết thì Mỹ không nhằm vào quốc gia nào mà chỉ hướng đến các công ty, tổ chức hay cá nhân. Thêm vào đó, các thành viên EU không muốn tạo ra hình ảnh liên thủ cùng Nga đối phó Mỹ, trong khi vẫn đang cùng Mỹ trừng phạt Nga.
Thêm vào đó, các thành viên EU cũng không muốn Mỹ có cớ gây xung khắc trên lĩnh vực khác trong quan hệ song phương, và cũng biết rằng Mỹ có thể cản trở chứ không hủy hoại được dự án.
Bình luận (0)