Dự kiến trình quốc hội hồ sơ phê chuẩn CPTPP vào cuối năm

Ngọc Mai
Ngọc Mai
19/07/2018 18:10 GMT+7

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 19.7 cho biết Bộ Công thương đang tích cực hoàn thiện hồ sơ về phê chuẩn CPTPP, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.

Trả lời câu hỏi về khả năng thông qua và mở rộng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Theo quy định, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi ít nhất có 6 nước thành viên hoàn tất thủ tục phê chuẩn".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam và các nước thành viên đang tiến hành thủ tục phê chuẩn CPTPP phù hợp với quy định của pháp luật từng nước, sớm đưa Hiệp định vào triển khai, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế cùng có lợi giữa các nước thành viên và đóng góp cho tăng trưởng, liên kết kinh tế khu vực.
"Chúng tôi được biết Bộ Công thương đang tích cực hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm", theo thông cáo đăng trên trang web Bộ Ngoại giao.
Cũng theo bà Lê Thị Thu Hằng, CPTPP là một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mở, theo đó các nước có thể tham gia CPTPP sau khi Hiệp định đi vào triển khai, trên cơ sở chấp nhận các tiêu chuẩn và được các nước thành viên đồng thuận.
Trong một diễn biến liên quan, Singapore cùng ngày đã chính thức phê chuẩn CPTPP, trở thành thành viên thứ ba sau Mexico và Nhật Bản hoàn tất thủ tục trong nước.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho biết Hiệp định sẽ giúp tăng cường thương mại giữa các nước châu Á - Thái Bình Dương, tạo ra dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và đầu tư thông suốt hơn.
Ông Chan đồng thời nhấn mạnh trong bối cảnh căng thẳng thương mại và các yếu tố chống toàn cầu hóa đang nổi lên như hiện nay, CPTPP truyền tải thông điệp mạnh mẽ về cam kết với tự do hóa và hệ thống thương mại dựa trên luật lệ.
CPP là phiên bản mới được 11 thành viên còn lại của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ký kết sau khi Mỹ rút ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.