"Du lịch cấy ghép nội tạng" ở Trung Quốc

13/12/2005 00:11 GMT+7

Từ năm 1993 đến nay, tại Trung Quốc đã có khoảng 60 ngàn ca ghép thận, 6 ngàn ca ghép gan và 250 ca ghép tim được thực hiện chủ yếu đối với người bệnh đến từ Đài Loan, Singapore, Việt Nam và một số nước khác. Vừa qua, lần đầu tiên Trung Quốc đã chính thức công nhận về nguồn gốc chủ yếu của loại hàng hóa đặc biệt này sau một thời gian dài im lặng.

Trong nhiều năm qua, đã có dư luận từ nhiều nước cho rằng hầu hết các bộ phận nội tạng đang được cấy ghép cho người bệnh tại các bệnh viện của quốc gia đông dân nhất hành tinh đều có nguồn gốc từ các tử tù đã bị hành quyết - điều mà Trung Quốc luôn phủ nhận. Tuy nhiên, đầu tháng này, tại phiên họp về vấn đề cấy ghép nội tạng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Philippines, Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Huang Jiefu đã chính thức thừa nhận thực trạng trên đang phát triển tại Trung Quốc và cho biết chính phủ đang chuẩn bị đưa ra những quy định pháp lý cho việc cấy ghép nội tạng có nguồn gốc từ tử tù tại nước này. Đến thời điển hiện nay, Trung Quốc chỉ có duy nhất một văn bản ra đời từ năm 1984 liên qua đến việc cấy ghép nội tạng có nguồn gốc từ tử tù, theo đó nội tạng của các tù nhân đã bị thi hành án tử hình sẽ được sử dụng vào cấy ghép khi có sự cho phép của thân nhân họ.

Trên thế giới, Trung Quốc đứng thứ 2 sau Mỹ về số lượng tiến hành các ca cấy ghép nội tạng và do chưa có một quy định pháp lý chặt chẽ nên đây là một thị trường "béo bở" đối với việc mua bán nội tạng trên phương diện hợp pháp cũng như ngược lại. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng đã tiến hành điều tra để khám phá những đường dây buôn bán lậu cơ quan nội tạng người từ Trung Quốc vào Mỹ và đã có những chứng cứ xác thực về hoạt động phi pháp này. Tuy nhiên, các bệnh nhân có nhu cầu cấy ghép nội tạng, những người hầu như không còn sự lựa chọn nào khác khi phải đối mặt với tử thần đều đổ xô đến đại lục để tìm cơ hội sống sót cho bản thân vì vấn đề chi phí: một lá gan cho cấy ghép có giá khoảng 40 ngàn USD với người dân bản địa, nhưng là 55 ngàn USD với người nước ngoài; một quả thận có giá chỉ khoảng 8 ngàn USD trong khi nó được một phụ nữ Anh rao bán trên mạng (đã được chấp thuận) với giá 50 ngàn USD! So với Mỹ thì chi phí cho một ca cấy ghép tại Trung Quốc thấp hơn tới 30%. Do vậy, Trung Quốc hiện đang đựợc mệnh danh là điểm đến đầy hấp dẫn của ngành "du lịch cấy ghép nội tạng".

Tuy nhiên, "tiền nào, của nấy". Trong thời gian một năm sau khi được cấy ghép gan, tại Trung Quốc chỉ có 50% ca thành công, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 81%. Hiện nay, tại nhiều nước trên thế giới vẫn còn nhiều bất đồng giữa các nhà khoa học với các nhà lập pháp về việc coi nội tạng có phải là hàng hóa hay không. Mỹ coi việc buôn bán nội tạng là bất hợp pháp nhưng lại khuyến khích việc hiến, tặng thông qua nhiều chính sách như miễn giảm chi phí y tế, tăng trợ cấp xã hội... cho người hiến tặng nội tạng. Tại Anh, pháp luật xử lý rất nghiêm khắc các hình thức buôn bán nội tạng. Trong khi đó, Iran ủng hộ vấn đề này. Với Trung Quốc, nếu không có gì thay đổi thì theo quy định sắp tới đây, tử tù sẽ có quyền định đoạt các bộ phận cơ thể và nội tạng của họ sau khi bị thi hành án và các hoạt động mua bán cũng như cấy ghép nội tạng sẽ phải tuân theo một hành lang pháp lý chặt chẽ. Do vậy, các bệnh nhân có nhu cầu cấy ghép nội tạng sẽ không còn cơ hội được trả mức phí như thời điểm hiện tại.

Hạnh Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.