Facebook đối diện sóng gió mới

21/12/2018 08:09 GMT+7

Mạng xã hội lớn nhất thế giới có nguy cơ hứng chịu những án phạt nhiều tỉ USD liên quan tới các cáo buộc để lộ thông tin của người dùng.

Ông Karl Racine, Tổng chưởng lý thủ đô Washington D.C. của Mỹ, hôm qua ra thông báo khởi kiện Facebook vì cho phép Công ty phân tích dữ liệu và vận động chính trị Cambridge Analytica (trụ sở ở Anh) tiếp cận dữ liệu cá nhân của hàng chục triệu người dùng mà không có sự đồng ý của họ. “Facebook không thể bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và lừa dối họ về việc ai có quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân cũng như cách sử dụng dữ liệu. Facebook đẩy người dùng ra trước nguy cơ bị thao túng khi cho phép các công ty như Cambridge Analytica và những bên khác tự ý thu thập dữ liệu cá nhân”, tờ The Washington Post dẫn thông báo viết.
Theo giới công tố Washington D.C., Facebook đã vi phạm luật về thủ tục bảo vệ người tiêu dùng khi để Cambridge Analytica tung ra các ứng dụng dụ dỗ người dùng tải về rồi lén thu thập thông tin cá nhân. Công ty này tuyên bố phá sản hồi tháng 5 giữa lúc bị điều tra về hành vi ăn cắp thông tin của hơn 50 triệu người dùng Facebook, đồng thời bị nghi dùng dữ liệu lấy được để tác động tâm lý cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU cùng năm. Tổng chưởng lý Racine cho biết mức phạt tối đa theo đạo luật trên là 5.000 USD cho “mỗi vi phạm” và khoảng 340.000 người ở Washington D.C. bị ảnh hưởng trong vụ lấy cắp thông tin. Điều này có nghĩa là Facebook có thể bị phạt đến 1,7 tỉ USD.
Ngoài ra, Facebook còn đang bị Ủy ban Bảo vệ dữ liệu Ireland điều tra về nghi vấn không tuân thủ Quy định bảo vệ thông tin chung (GDPR) của châu Âu khi để lộ thông tin của 6,8 triệu tài khoản. Vụ việc xảy ra hồi tháng 9 và kéo dài trong 12 ngày với hàng triệu bức ảnh của người dùng Facebook bị truy cập trái phép và tung công khai lên mạng. Mãi đến tháng 11, Facebook mới báo cáo vụ việc với nhà chức trách châu Âu. Theo CNN, đối tượng vi phạm GDPR có thể bị phạt tối đa 23 triệu USD hoặc 4% doanh thu toàn cầu hằng năm, tùy theo con số nào lớn hơn. Trong trường hợp của Facebook, mạng xã hội này có thể bị phạt 1,6 tỉ USD nếu doanh thu năm 2018 bằng với con số gần 40 tỉ USD năm 2017.
[VIDEO] Facebook bị phát hiện chia sẻ thông tin người dùng cho các hãng "thân hữu"
Chưa hết, tờ The New York Times vừa tung ra bài điều tra cáo buộc Facebook “mở toang cửa” để nhiều bên khác như ứng dụng xem phim trực tuyến Netflix, ứng dụng nghe nhạc Spotify, Microsoft, Apple, Sony và Amazon có thể tiếp cận nhiều thông tin riêng tư của người dùng như tin nhắn và địa chỉ thư điện tử. Trước sóng gió dồn dập, mạng xã hội lớn nhất thế giới tuyên bố “không bao giờ cho phép truy cập dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng thuận của người dùng” và “không có bằng chứng nào cho thấy dữ liệu bị lạm dụng”. Facebook cũng cho biết thêm mong muốn tiếp tục thảo luận với giới hữu trách các nơi về vấn đề bảo vệ sự riêng tư của người dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.