Reuters hôm qua trích bản dự thảo gần như cuối cùng của tuyên bố chung cho biết các nhà lãnh đạo nhóm nước công nghiệp phát triển G7 cam kết sẽ cung cấp 1 tỉ liều vắc xin Covid-19 cho thế giới trong năm tới. Bên cạnh đó, G7 cũng sẽ làm việc với lĩnh vực tư nhân, G20 và các nước khác để gia tăng đóng góp trong những tháng tới.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hoan nghênh cam kết này nhưng cho rằng để chấm dứt đại dịch, cần đến 11 tỉ liều để tiêm cho ít nhất 70% dân số toàn cầu đến giữa năm 2022.
Cũng trong hôm qua, ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G7 tại vịnh Carbis (tây nam nước Anh), các bên tập trung vào kế hoạch cắt giảm khí thải và khôi phục đa dạng sinh học. Nhà tự nhiên học Anh David Attenborough cảnh báo nhân loại có thể tiến đến bờ vực “hủy hoại toàn bộ hành tinh” và các lãnh đạo đang đối diện với “những quyết định quan trọng nhất trong lịch sử loài người” khi tìm cách đối phó với biến đổi khí hậu.
|
Theo CNN, các thành viên G7 cam kết giảm một nửa lượng khí thải tính đến năm 2030, điều kiện cần để giữ tốc độ nóng lên toàn cầu không vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ trái đất đã tăng 1,2 độ C và chỉ còn 0,3 độ C nữa sẽ vượt qua ngưỡng đó, diễn biến có thể khiến hàng triệu người gặp nguy hiểm trước những điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson khởi động nguồn quỹ 500 triệu bảng (16.212 tỉ đồng) với tên gọi Hành tinh xanh (Blue Planet) nhằm bảo vệ các đại dương và sinh vật biển. Quỹ này sẽ giúp các quốc gia biển như Indonesia hay các đảo quốc Thái Bình Dương đối phó nạn đánh bắt tận diệt, bảo vệ và cải thiện hệ sinh thái ven biển, giảm ô nhiễm.
Theo AFP, Thủ tướng Johnson cho rằng có mối quan hệ trực tiếp giữa giảm khí thải, khôi phục tự nhiên, tạo việc làm và đảm bảo tăng trưởng kinh tế lâu dài, đồng thời nhấn mạnh G7 muốn dẫn dắt cuộc cách mạng công nghiệp xanh toàn cầu nhằm chuyển đổi cách sống của người dân.
Bình luận (0)