Giả thuyết mới về sự tuyệt chủng của khủng long

10/04/2020 13:40 GMT+7

Bóng tối chứ không phải sự lạnh giá đã xóa sổ phần lớn sự sống trên trái đất , bao gồm loài khủng long.

Hãng Sputnik vừa dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho rằng bóng tối chứ không phải sự lạnh giá đã xóa sổ phần lớn sự sống trên trái đất, bao gồm loài khủng long, trong sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn trắng - Cổ cận (Cretaceous - Paleogene) cách đây 66 triệu năm.
Giới khoa học ước tính 75% động thực vật trên trái đất bị tuyệt chủng do thiên thạch khổng lồ va chạm với trái đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tranh cãi về cơ chế tác động từ sự kiện trên đối với sự tuyệt chủng của các sinh vật.
Theo nghiên cứu mới, nhiệt độ hạ thấp chưa đến mức gây thiệt hại quá lớn, nhưng “sát thủ” thật sự là những muội than tạo ra từ vụ va chạm. Muội than này che ánh nắng mặt trời và tạo nên thời kỳ đen tối kéo dài khiến mức độ quang hợp của thực vật giảm còn chưa đến 1%. Điều này khiến thực vật bị tàn lụi và kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ hệ sinh thái.
“Dựa trên tính chất và khả năng hấp thu ánh nắng mặt trời, muội than đã che phần lớn ánh nắng chiếu xuống mặt đất. Trong khi bụi không tồn tại lâu trong bầu khí quyển, muội than tồn tại lâu hơn và che hầu như tất cả ánh nắng chiếu xuống trong ít nhất 1 năm”, theo chuyên gia Clay Tabor tại Đại học Connecticut (Mỹ) dẫn đầu nhóm nghiên cứu.
Giả thuyết mới đem lại hiểu biết nhiều hơn về sự kiện tuyệt chủng mở đường cho sự tiến hóa của các loài động vật hữu nhũ và con người cũng như về tác động của mùa đông hạt nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.