Giới hạn quyền lực mềm của Trung Quốc

14/07/2015 08:38 GMT+7

Thanh Niên độc quyền giới thiệu bài phân tích của học giả Joseph S.Nye, người đầu tiên đưa ra khái niệm quyền lực mềm, về những điểm yếu căn cơ trong tham vọng khuếch trương quyền lực mềm của Trung Quốc.

Thanh Niên độc quyền giới thiệu bài phân tích của học giả Joseph S.Nye, người đầu tiên đưa ra khái niệm quyền lực mềm, về những điểm yếu căn cơ trong tham vọng khuếch trương quyền lực mềm của Trung Quốc.

Giáo sư Joseph S.Nye, Jr - Ảnh: Project Syndicate
Giáo sư Joseph S.Nye, Jr
- Ảnh: Project Syndicate
Thời gian qua, Trung Quốc rất nỗ lực tăng cường khả năng gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác mà không cần dùng vũ lực hay ép buộc. Giới lãnh đạo nước này hiểu rằng những gì Trung Quốc đã và đang làm có nguy cơ khiến nhiều láng giềng lo ngại đến mức tìm cách lập các liên minh đối trọng. Vì thế, với họ, một chiến lược khôn ngoan phải bao gồm các chính sách ít gây sợ hãi hơn. Tuy nhiên, tham vọng quyền lực mềm của Trung Quốc đang đối mặt nhiều cản trở lớn.
Bạo chi vẫn thất bại
Những nỗ lực của Trung Quốc cũng phần nào tạo được ảnh hưởng ở một mức độ nhất định. Với sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và những chương trình viện trợ hàng tỉ USD của Trung Quốc cho nhiều nước, một số nhà quan sát lo ngại rằng Trung Quốc đang vượt lên về khía cạnh quyền lực mềm. Theo ước tính của chuyên gia về Trung Quốc David Shambaugh, nước này chi khoảng 10 tỉ USD/năm cho việc “tuyên truyền đối ngoại”, trong khi năm ngoái, Mỹ chỉ chi 666 triệu USD cho “ngoại giao nhân dân”.
Tuy nhiên, dù chi tiền tỉ nhưng chiến dịch lấy lòng của Trung Quốc đến nay chỉ mang lại hiệu quả có phần hạn chế. Kết quả thăm dò ở Bắc Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Nhật Bản cho thấy phần lớn người dân có ấn tượng tiêu cực về ảnh hưởng của Trung Quốc. Kết quả khả quan hơn một chút ở châu Mỹ La tinh và châu Phi, những nơi Bắc Kinh không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh cãi về nhân quyền không phải lúc nào cũng “nóng” trên bàn nghị sự. Nhưng ngay cả ở các khu vực này, người ta cũng không hài lòng chuyện Trung Quốc ồ ạt đưa người của mình vào các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Biểu tình phản đối Trung Quốc gần lãnh sự quán nước này ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5.7.2015 - Ảnh: Reuters
Biểu tình phản đối Trung Quốc gần lãnh sự quán nước này ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5.7.2015 - Ảnh: Reuters
Quyền lực mềm của một quốc gia đến từ 3 nguồn là văn hóa, các giá trị chính trị và chính sách ngoại giao hợp pháp, phù hợp các chuẩn mực đạo đức. Lâu nay, Trung Quốc quá chú trọng sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng văn hóa nhưng rất ít chú ý tới các khía cạnh khác. Điều này có thể phá hủy mọi nỗ lực của họ.
Bức hiếp láng giềng
Những cuộc nghiên cứu quốc tế gần đây chỉ ra 2 yếu tố chính hạn chế quyền lực mềm của Trung Quốc. Thứ nhất là chủ nghĩa dân tộc, vốn gần đây thường được đề cao ở Trung Quốc. Điều này không những khiến dư luận nghi ngại về “Giấc mơ Trung Hoa” do Chủ tịch Tập khởi xướng mà còn khuyến khích những chính sách khiến láng giềng quan ngại ở Biển Đông và một số nơi khác.
Chẳng hạn, tác dụng của Viện Khổng tử ở Manila rất hạn chế sau những gì nước này đã và đang làm với Philippines ở Biển Đông. Những diễn biến hồi tháng 5.2014 tại Việt Nam về vụ giàn khoan (giàn khoan Haiyang Shiyou-981 cắm phi pháp trong vùng biển Việt Nam - ND) cũng là minh chứng cho hậu quả xuất phát từ chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Hạn chế thứ hai là Trung Quốc vẫn bám giữ vào niềm tin rằng quyền lực mềm chỉ có thể đến từ nhà nước thông qua các công cụ tuyên truyền và những chương trình quảng bá văn hóa. Bất chấp những nỗ lực biến Tân Hoa xã và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc thành đối thủ cạnh tranh với các hãng thông tấn lớn trên thế giới, lượng khán giả quốc tế xem chương trình mang tính tuyên truyền vẫn rất ít, gần như không có. Trong khi đó, phần lớn quyền lực mềm của Mỹ không đến từ chính phủ mà từ các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ và cả văn hóa đại chúng.
Ngoài việc xây dựng ấn tượng tích cực và xúc tiến hình ảnh đất nước ra bên ngoài, các thiết chế phi chính phủ còn có thể bù đắp về mặt dư luận cho những chính sách không được ủng hộ của chính quyền. Chẳng hạn như các phản biện và chỉ trích không bị kiểm duyệt của các tổ chức ở Mỹ nhằm vào cuộc chiến tại Iraq phần nào gỡ gạc lại hình ảnh cho Washington.
Các chương trình viện trợ của Trung Quốc thường thành công và mang tính xây dựng. Nền kinh tế phát triển mạnh và văn hóa truyền thống cũng rất yêu thích. Nhưng nếu Trung Quốc muốn tận dụng thành công tiềm năng khổng lồ của mình về quyền lực mềm, nước này sẽ phải xem lại chính sách trong lẫn ngoài nước, giới hạn các tuyên bố chủ quyền và biết chấp nhận phản biện.
Tiếp tục xử vụ Philippines kiện Trung Quốc
Ngày 13.7 (giờ địa phương), tại Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, tiếp tục diễn ra tranh tụng vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Theo tờ The Philippine Star, trong phiên xử từ ngày 7 - 13.7, nhóm luật sư đại diện cho Manila đã nỗ lực thuyết phục các thẩm phán của PCA rằng vụ kiện nằm trong thẩm quyền phân xử của họ. Các luật sư dự đoán PCA sẽ đưa ra quyết định trong vòng 90 ngày tới. Nếu quyết định tiếp nhận xét xử vụ kiện, PCA sẽ tiếp tục yêu cầu Philippines trình thêm luận cứ, bằng chứng và có thể sẽ ra phán quyết cuối cùng vào năm 2016. Ngược lại, vụ kiện sẽ kết thúc ở đây.
Văn Khoa
Văn Khoa
(lược dịch)
© Project Syndicate
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.