Greenland đang tan chảy?

Kiều Trang
Kiều Trang
02/08/2019 07:30 GMT+7

Đợt nóng càn quét Châu Âu hồi tuần rồi đã lan tới Greenland giữa lúc đảo quốc này vào mùa băng tan. Sự gia tăng nhiệt độ bất thường tại nơi chứa dải băng lớn thứ 2 thế giới làm dấy lên nhiều lo ngại.

Sóng nhiệt có thể là vấn đề của riêng Châu Âu nhưng khi vào Greenland, nó sẽ là vấn đề của toàn cầu. Greenland là nơi chứa dải băng lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Nam Cực. Bất cứ điều gì xảy ra với Greenland, thế giới sẽ dễ dàng cảm nhận được thông qua sự biến đổi mực nước biển và thời tiết.
Người phát ngôn Tổ chức Khí tượng Liên Hiệp Quốc, bà Clare Nullis, cho biết đợt sóng nhiệt này sẽ khiến nhiệt độ tại Greenland tăng cao và đẩy nhanh quá trình tan băng, CNN đưa tin ngày 31.7.
Nhiều tuần gần đây, lượng băng tại Greenland đã tan rất nhanh. Chỉ tính riêng trong tháng 7, Greenland đã mất 160 tỉ tấn băng do tình trạng tan băng trên bề mặt, tương đương 64 triệu bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Đợt sóng nhiệt sẽ làm tình hình thêm tồi tệ.

[VIDEO] Khí hậu ấm lên: đúng là chuyện toàn cầu, và không phải ‘chu kỳ’ tự nhiên

Theo tính toán của các nhà khoa học, lượng băng tan chảy ở Greenland mỗi năm khiến nước biển dâng cao khoảng 0,7mm, song với tốc độ như hiện nay, con số này có thể lên đến 1mm, thậm chí là 2mm đối với các quốc gia ở vùng ôn đới. Kể từ năm 1972, lượng nước băng từ Greenland đã làm mực nước biển toàn cầu dâng lên 13,7mm.
Hiện nay, tốc độ tan băng tại đảo quốc này đang nhanh gấp 6 lần so với những năm 80 của thế kỷ trước. Các nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng ở Greenland là dấu hiệu rõ ràng của biến đổi khí hậu và dự báo thế giới sẽ thấy nhiều đợt sóng nhiệt cực đoan hơn trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.