Hải quân Ukraine rệu rã sau khi Crimea sáp nhập vào Nga

15/05/2015 13:42 GMT+7

(TNO) Hải quân Ukraine mất đến 2/3 tàu chiến, và toàn bộ các tàu quân sự chủ chốt của lực lượng này hiện đều nằm tại Crimea, tức trong tay Nga sau khi Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga.

(TNO) Hải quân Ukraine mất đến 2/3 tàu chiến và toàn bộ các tàu quân sự chủ chốt của lực lượng này hiện nằm tại Crimea, tức trong tay Nga sau khi Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga.

soái hạm Getman Sagaidachniy của Hải quân Ukraine đang neo đậu tại cảng Odessa,

Một chú mèo đi ngang soái hạm Getman Sagaidachniy của Hải quân Ukraine đang neo đậu tại cảng Odessa, miền nam nước này, ngày 3.5 - Ảnh: AFP

Ngoài khơi khu vực thành phố Odessa, miền nam Ukraine, bên bờ Hắc Hải, nhiều chiến hạm hải quân rỉ sét dập dềnh xung quanh một chiếc tàu tên lửa cũ kỹ, theo ghi nhận của AFP.

“Cách duy nhất để đẩy đống phế liệu đó đi được là lấy mái chèo ra đẩy”, một sĩ quan Ukraine nói với AFP bằng một giọng mỉa mai.

Gần những chiếc phao tại bến cảng là chiếc khinh hạm Getman Sagaidachniy, soái hạm của Hải quân Ukraine, nơi các thủy thủ sống chen chúc với nhau.

AFP cho biết đó là những gì còn lại của lực lượng Hải quân Ukraine.

Vốn dĩ đã trong tình cảnh suy yếu do nạn tham nhũng và vô trách nhiệm kéo dài trong nhiều năm liền, Hải quân Ukraine nay còn rệu rã hơn sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3.2014.

“Đó là một thảm kịch cho lực lượng hải quân chúng tôi”, sĩ quan hải quân Ukraine, Vitaliy Martynyuk, người đang đi tập huấn tại thành phố cảng Sevastopol ở Crimea khi vụ sáp nhập diễn ra, rầu rĩ nói với AFP.

Mất 2/3 tàu hải quân

Hải quân Ukraine ngày nay chỉ còn 6.000 binh sĩ - Ảnh: AFP

Hải quân Ukraine ngày nay chỉ còn khoảng 6.000 binh sĩ, giảm mạnh từ con số 14.000 trong năm 2013 - Ảnh: AFP

Sergiy Zgurets, một chuyên gia quân sự Ukraine, cho biết hải quân nước này đã mất 2/3 số tàu thuyền sau khi Crimea bị sáp nhập vào Nga.

Toàn bộ những tàu hải quân chủ chốt của Ukraine hiện nằm tại Crimea, ông Zgurets cho hay.

“Chúng tôi cần thật nhiều nỗ lực và một khoản chi phí khổng lồ để gầy dựng lại hạm đội mới. Giờ hải quân Ukraine chẳng còn gì”, chuyên gia này nói.

Soái hạm Getman Sagaidachniy, đang neo đậu tại cảng Odessa (Ukraine), thoát được khỏi Crimea là nhờ may mắn. Khi các binh sĩ vũ trang mặc quân phục không phù hiệu, được cho là binh sĩ Nga, bắt đầu tiến vào chiếm giữ các địa điểm chiến lược trên khắp Crimea, chiến hạm này đang trên đường quay về Odessa sau khi hoàn thành một cuộc diễn tập ở Vịnh Aden.

Khu trục hạm tên lửa Pryluky cũng là một trong số ít tàu Ukraine xoay xở để đi khỏi Crimea sau khi vụ sáp nhập diễn ra. Tuy nhiên, chiếc tàu chiến này cũ đến nỗi các thủy thủ Ukraine cứ nói đùa với nhau rằng nếu Nga trả lại tàu thì sẽ tốn ít tiền hơn là tiêu hủy nó.

AFP cho biết, Nga và Ukraine có ký một thỏa thuận trả lại tàu thuyền cho nhau, nhưng việc thực thi thỏa thuận này bị ngưng lại sau khi cuộc xung đột đẫm máu giữa phe ly khai thân Nga và quân đội chính phủ Kiev bùng nổ ở miền đông Ukraine.

‘Có kẻ phản bội trong hàng ngũ’

Hải quân Ukraine đã mất 2/3 tàu thuyền sau khi Khu Tự trị Crimea bị sáp nhập vào Nga  - Ảnh: AFP

Hải quân Ukraine đã mất 2/3 tàu thuyền sau khi Crimea bị sáp nhập vào Nga
 - Ảnh: AFP  

AFP cho biết, Hải quân Ukraine hiện nay chỉ có vỏn vẹn 6.000 lính, giảm mạnh từ con số 14.000 hồi năm 2013.

Trong số 8.000 thủy thủ đồn trú tại Crimea, chỉ có 2.000 người chọn quay về Ukraine sau khi bán đảo này bị sáp nhập vào Liên bang Nga. Số còn lại chọn theo quân đội Nga.

Lựa chọn đổi phe của quá nhiều đồng đội khiến những người quyết định ở lại trong hàng ngũ lực lượng Hải quân Ukraine đau đớn.

“Có nhiều kẻ phản bội trong hàng ngũ chúng tôi. Khi còn đi học, nhiều giáo sư cứ nói về những lợi thế khi được phục vụ cho Hải quân Nga”, Petro Bondar, trung úy Hải quân Ukraine, 26 tuổi, cho biết.

Sĩ quan Ukraine trẻ tuổi này còn giận dữ nhắc lại tên những con tàu mà anh và đồng đội bị buộc phải giao nộp cho phía Nga, chẳng hạn chiếc tàu hộ vệ Ternopil và tàu dò phá thủy lôi Cherkasy.

“Lúc đó ai cũng mong chúng sẽ được trả về Odessa. Nhưng mọi việc đã trở nên tồi tệ hơn dự đoán”, Bondar than vãn.

AFP bình luận rằng do bị tước gần hết tàu thuyền, chỉ huy lực lượng Hải quân Ukraine đang gặp rất nhiều khó khăn. Đô đốc Igor Kabanenko, cựu thứ trưởng quốc phòng Ukraine cho biết phần lớn chiến hạm mà Kiev bị mất là tàu có từ thời Liên Xô và chúng sẽ sớm trở thành sắt vụn.

“Cái chúng tôi cần là một chiến lược mới cho Hải quân Ukraine, cũng như một tầm nhìn mới. Chúng tôi phải lựa chọn: Hoặc tạo ra một lực lượng hải quân mới hoặc đứng yên nhìn người khác lấy đi cả những gì còn sót lại ”, ông nói với AFP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.