Hải tặc tấn công tàu cá Naham 3 treo cờ Oman vào tháng 3.2012 ở ngoài khơi phía nam đảo quốc Seychelles ở Ấn Độ Dương, theo AFP.
Các thủy thủ châu Á trên tàu này gồm người Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Việt Nam và Đài Loan sau đó bị chúng giam giữ ở làng Dabagala, cách thủ đô Mogadishu của Somalia 400 km về phía đông bắc. Dabagala là sào huyệt của hải tặc Somalia.
“Các thủy thủ đang ở thành phố Galkayo (Somalia). Họ sẽ được đưa đến thủ đô Nairobi của Kenya. Các thủy thủ không nói rõ liệu tiền chuộc đã được trả hay chưa”, thị trưởng Galkayo, ông Hirsi Yusuf Barre cho Reuters biết.
Hải tặc Somalia ban đầu bắt tổng cộng 29 con tin, nhưng ông Barre cho hay thuyền trưởng đã thiệt mạng khi hải tặc Somalia tấn công tàu cá Naham 3, còn hai thủy thủ khác bị bệnh chết trong lúc bị hải tặc giam giữ. Một quan chức an ninh Somalia cho hay hiện vẫn chưa rõ vì sao tàu Naham 3 bị chìm sau vụ cướp biển.
“Chúng tôi rất vui khi tuyên bố thủy thủ đoàn của Naham 3 được trả tự do rạng sáng hôm nay (22.10)”, AFP dẫn lời ông John Steed, nhà đàm phán thuộc tổ chức Đối tác Hỗ trợ Con tin (HSP) cho biết vào ngày 22.10.
Ông Steed, một cựu binh người Anh, cho hay sứ mạng giải cứu “những con tin bị lãng quên” của HSP vẫn còn gặp một trở ngại: đưa họ rời khỏi thành phố Galkayo, nơi giao tranh đang diễn ra giữa các lực lượng đối lập.
“Giao tranh đang diễn ra ở Galkayo, vì thế đây là thời điểm cực kỳ nguy hiểm, họ pháo kích suốt đêm”, ông Steed nói, đồng thời kỳ vọng có thể đưa các thủy thủ đến Nairobi trong ngày 24.10.
Những vụ đụng độ ở Galkayo khiến ít nhất 11 người chết và khiến 50.000 người phải từ bỏ nhà cửa, tháo chạy khỏi thành phố này, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi tuần rồi.
Ngay sau khi đến được Nairobi, các thủy thủ sẽ được đưa về nước để đoàn tụ gia đình. “Họ đã trải qua bốn năm 6 tháng trong những điều kiện tồi tệ và xa gia đình”, ông Steed chia sẻ.
Ông Steed cho hay các thủy thủ bị thiếu ăn và một người bị thương do bị bắn vào chân, một thủy thủ khác bị đột quỵ và một người nữa bị tiểu đường. Ông Steed cho hay cuộc đàm phán giải cứu con tin kéo dài 18 tháng.
Đây là những thủy thủ bị hải tặc Somalia bắt giữ trong thời gian dài. Trước đó, các thủy thủ Thái Lan được trả tự do sau 5 năm bị hải tặc Somalia giam giữ.
Chiếc tàu thương mại lớn đầu tiên bị hải tặc Somalia cướp là vào năm 2005 và “nghề cướp biển” nở rộ ở Somalia, đất nước chìm trong nội chiến kéo dài nhiều năm liền, nhiều người thất nghiệp và không có chính quyền trung ương.
tin liên quan
Indonesia, Malaysia và Philippines phối hợp tuần tra chống hải tặcIndonesia, Malaysia và Philippines ngày 5.5 đạt thỏa thuận về việc phối hợp tuần tra chống hải tặc sau hàng loạt những vụ cướp tàu, bắt cóc trên biển do các tay súng Hồi giáo ở miền nam Philippines thực hiện.
Vào năm 2012, hải tặc Somalia khiến nền kinh tế toàn cầu tổn thất khoảng 5,7 - 6,1 tỉ USD và đỉnh điểm là vào tháng 1.2011, khi đó hải tặc Somalia bắt giữ 736 con tin và 32 tàu. Mặc dù các vụ cướp biển có giảm ở Ấn Độ Dương, nhưng trong năm 2015 hải tặc tấn công bắt giữ ít nhất 306 thủy thủ, AFP dẫn lại các số liệu thống kê cho hay.
Bình luận (0)