Hàn Quốc muốn loại trừ ông Kim Jong-un

23/09/2016 09:48 GMT+7

Loại trừ nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un là mục tiêu hàng đầu của kế hoạch quân sự vừa được giới chức quốc phòng Hàn Quốc chính thức xác nhận.

Quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên đang ở trong tình trạng căng thẳng dâng cao sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Bình Nhưỡng hồi đầu tháng 9. Sự kiện này cùng những tuyên bố của miền Bắc về các “thành tựu vượt bậc” liên quan đến việc phát triển tên lửa hạt nhân đã khiến Seoul không thể không “nóng mặt”. Trong bối cảnh đó, việc Hàn Quốc nỗ lực chuẩn bị phương sách đối phó Triều Tiên là điều có thể dự đoán được.
Lực lượng đặc nhiệm
Theo Hãng tin UPI, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo ngày 21.9 đã lên tiếng xác nhận quân đội nước này có kế hoạch sử dụng một đơn vị đặc nhiệm để loại bỏ ông Kim ra khỏi vị trí quyền lực trong trường hợp Seoul bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
“Nếu kẻ thù (ý chỉ Triều Tiên - NV) có ý định sử dụng các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân để tấn công, nhiệm vụ của đơn vị đặc nhiệm là tấn công trả đũa các khu vực then chốt, trong đó có nơi ở và làm việc của ban lãnh đạo Triều Tiên”, ông Han chia sẻ trên kênh truyền hình Hàn Quốc YTN.
Trang tin Hàn Quốc News 1 cho biết việc huy động đơn vị nói trên nằm trong kế hoạch có tên gọi “Đáp trả và trừng phạt ồ ạt kiểu Hàn Quốc”, viết tắt là KMPR. KMPR là một phần trong bộ ba trụ cột của quân đội Hàn Quốc, bao gồm các hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa, hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không (KAMD) và Chuỗi ám sát - một hệ thống tấn công phủ đầu.
Dự kiến Seoul sẽ huy động các tên lửa đất đối đất Hyunmoo 2A, 2B và Hyunmoo 3, với các tầm bắn lần lượt là 300, 500 và 1.000 km vào việc thực thi kế hoạch KMPR.
Lợi bất cập hại
Ông Victor Cha, Giáo sư Đại học Georgetown, từng là cố vấn hàng đầu về Triều Tiên của cựu Tổng thống George W.Bush, nhận xét kế hoạch của Hàn Quốc loại trừ ông Kim cùng ban lãnh đạo Triều Tiên “là cách bày tỏ phẫn nộ hơn là một nỗ lực mang tính chiến lược” nhằm ngăn chặn đối thủ. “Thực sự, tôi chắc rằng trong mắt Triều Tiên, những tuyên bố như thế chỉ tái xác nhận sự cần thiết có một lá chắn hạt nhân để có thể sống sót”, tờ The Japan Times dẫn lời ông Cha nhấn mạnh.
Ông Han cũng nói thêm rằng Hàn Quốc cần duy trì một lực lượng thường trực với ít nhất 500.000 quân nhằm đề phòng một cuộc xâm lược vũ trang của Triều Tiên. Để đảm bảo số lượng quân nhân toàn thời gian lớn như thế, theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, không thể không áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự. Ở phía bên kia, Quân đội nhân dân Triều Tiên được cho là đang có 1,2 triệu binh sĩ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài CNN bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6, ông Han đánh giá nhà lãnh đạo Kim “còn quá trẻ và bốc đồng”, và rằng Hàn Quốc, Mỹ và các nước khác cần tiếp tục gây sức ép để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Điệp vụ khó khả thi
Theo giới quan sát, phát biểu ngày 21.9 của ông Han có thể được xem là lần đầu tiên chính phủ Hàn Quốc công khai ý định “đoạt mạng” ông Kim Jong-un, sau một loạt vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân cùng những chỉ trích của miền Bắc nhằm vào cá nhân Tổng thống Park Geun-hye. Trước đó, một số nghị sĩ Hàn Quốc đã lên tiếng kêu gọi ám sát nhà lãnh đạo miền Bắc để ngăn chặn cái mà họ cho là “nguy cơ chiến tranh hạt nhân” trên bán đảo Triều Tiên.
Đáng chú ý nhất là phát biểu của ông Ha Tae-kung, một nghị sĩ thuộc đảng Saenuri cầm quyền. Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình YTN hồi tháng 2, ông Ha tuyên bố ông Kim là một “tội phạm”, và việc trừ khử tội phạm là “thỏa đáng và không vi phạm luật pháp quốc tế”. Nghị sĩ này nói rằng chính phủ Hàn Quốc nên tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế cho việc ám sát ông Kim, đặc biệt là của Mỹ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đã bày tỏ hoài nghi về tính khả thi trong kế hoạch của Hàn Quốc. Ông Ken Boydston, nhà phân tích chuyên về tình hình bán đảo Triều Tiên tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở ở Washington (Mỹ), cho rằng một đòn tấn công vào miền Bắc sẽ vấp phải những cản trở lớn.
“Chắc chắn Triều Tiên sẽ đề phòng một đòn tấn công đoạt mạng, và rằng Hàn Quốc và Mỹ không thể biết chính xác ban lãnh đạo Triều Tiên ở đâu khi xảy ra khủng hoảng”, ông Boydston nói, đồng thời cho biết thật khó tưởng tượng một đòn tấn công như thế sẽ không dẫn đến sự leo thang xung đột ở phạm vi rộng hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.