Hàn Quốc phanh phui vụ đàn áp truyền thông

22/01/2010 22:39 GMT+7

Cách đây 30 năm, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện cuộc thanh trừng truyền thông chưa từng có trong lịch sử.

Ngày 8.1.2010, Ủy ban Sự thật và Hòa giải Hàn Quốc (TRCK) đã đưa ra kết luận cho một cuộc điều tra về việc sáp nhập và đóng cửa các đơn vị truyền thông dưới thời Tổng thống Chun Doo-hwan vào năm 1980. TRCK kết luận rằng những hành động cưỡng chế các đơn vị truyền thông đóng cửa hay sáp nhập của Bộ chỉ huy An ninh quốc phòng (DSC) - do ông Chun lãnh đạo lúc đó - là bất hợp pháp, vì cơ quan này không có thẩm quyền về các vấn đề báo chí.

Vào thời bấy giờ, quân đội đã gây áp lực sa thải hàng loạt phóng viên để tạo ra một môi trường truyền thông dễ phục tùng.

Kế hoạch K

Sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 12.1979, ông Chun - lúc này là thiếu tướng và giữ chức chỉ huy của DSC - hầu như có mọi quyền lực trong tay. Tháng 1.1980, các sĩ quan quân đội dưới quyền của ông bắt đầu lập kế hoạch kiểm soát ngành truyền thông, tờ Korea Herald dẫn báo cáo điều tra của TRCK. Đến tháng 3, các lãnh đạo quân đội đã thiết lập cái được gọi là “Kế hoạch K” nhằm kiểm soát các tổ chức truyền thông và đã thành lập một đội đặc biệt để thực hiện kế hoạch này. Đến tháng 6, kế hoạch đã được phát triển hoàn chỉnh.

Bắt đầu từ tháng 7.1980, chính phủ đã buộc các hãng truyền thông sa thải hơn 1.000 nhà báo. Tờ Korea Times dẫn báo cáo điều tra cho hay: “Dựa trên dữ liệu tình báo và thông tin có được từ các nhân viên DSC, giới chức quân đội đã liệt 30% số nhân viên truyền thông vào danh sách những người chống đối chính phủ và buộc các công ty sa thải họ”. Họ tiếp tục đàn áp những phóng viên bị sa thải bằng cách cấm tìm việc và đe dọa tính mạng. Nhiều người trong số các phóng viên bị sa thải nói trên còn bị đưa tới trại cải tạo tập trung Samcheong. Cũng trong tháng 7 năm đó, khoảng 170 tạp chí bị đóng cửa. Giới chức quân sự nói rằng các tạp chí bị đình chỉ vì có nội dung khiêu dâm và có hại cho xã hội, nhưng TRCK không tìm thấy cơ sở pháp lý cho lập luận đó.

Theo Wikipedia, sau khi Tổng thống Park Chung-hee bị Kim Jae-kyu, Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Hàn Quốc (KCIA), ám sát vào ngày 27.10.1979, ông Chun Doo-hwan - lúc đó là người đứng đầu Bộ chỉ huy An ninh quốc phòng - đã được giao điều tra vụ này. Từ đó, ông kiểm soát được toàn bộ các cơ quan tình báo. Ngày 12.12.1979, ông Chun tự ý ra lệnh bắt Tổng tham mưu trưởng quân đội Jeong Seung-hwa do bị cáo buộc liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Park và cuộc đọ súng đã xảy ra, đánh dấu cuộc đảo chính quân sự do ông Chun chỉ đạo. Vào tháng 4.1980, ông chính thức trở thành Giám đốc của KCIA. Sau đó, ông làm tổng thống từ năm 1980 đến 1988. Theo tờ New York Times, vào tháng 8.1996, ông Chun bị tuyên án tử hình về vai trò của mình trong cuộc đảo chính trên và tội nhận hối lộ, nhưng đến tháng 12 năm đó, một tòa phúc thẩm đã giảm án tử hình xuống còn án chung thân. Ngày 22.12.1997, sau khi bị giam gần 2 năm, ông Chun được ân xá nhưng phải nộp tiền phạt cho tội hối lộ.

Vào tháng 8.1980, Tổng thống Choi Kyu-ha tuyên bố sẽ từ chức. Ngày 27.8, ông Chun Doo-hwan được bầu làm tổng thống. Ba tháng sau đó, vào ngày 12.11, ông Chun đã phê duyệt một bộ quy định nhằm kiểm soát truyền thông. Tiếp theo, DSC đã triệu tập các ông chủ truyền thông đến và buộc họ phải ký vào văn bản chấm dứt hoạt động. “Sĩ quan quân đội đã dùng dùi cui, súng ngắn đe dọa và buộc họ (các ông chủ truyền thông) phải ký bản cam kết như thế”, theo báo cáo điều tra. Bộ Văn hóa lúc đó đã ra lệnh các tờ báo và các đơn vị phát thanh, truyền hình thông báo rằng họ đưa ra quyết định sáp nhập hay đóng cửa là tự nguyện vì sự phát triển chung của ngành.

Trong tháng 11.1980, 28 tờ báo bị sáp nhập hoặc đóng cửa, giảm xuống còn 14 tờ; 29 đài phát thanh, truyền hình bị giảm còn 3, và 7 hãng tin chỉ còn lại 1. Chẳng hạn, tờ Seoul Economic Daily thời đó là một trong hai tờ báo kinh tế nổi tiếng nhất Seoul, nhưng đã bị buộc phải đóng cửa vào ngày 28.11.1980 và không nhận được tiền đền bù. Còn Công ty truyền hình Tongyang - thuộc báo JoongAng Ilbo bị sáp nhập vào Công ty phát thanh truyền hình Hàn Quốc (KBS) vì theo một chiến dịch của triều đại ông Chun thì không một tờ báo nào được phép vận hành đài phát thanh, truyền hình.

Đề nghị bồi thường

Sau khi đưa ra kết luận trên, TRCK đã đề nghị chính phủ xin lỗi và bồi thường cho những nạn nhân trong vụ sáp nhập và đóng cửa các đơn vị truyền thông nói trên. Một quan chức CRCK nói: “Các công ty truyền thông bị tái cấu trúc không chỉ chịu mất mát về tài chính mà còn bị mất thể diện trầm trọng”. “Chính phủ cần nhận ra trách nhiệm và xin lỗi những nạn nhân của vụ đàn áp” - Chủ tịch TRCK Lee Young-jo phát biểu - “Ngoài ra, danh dự của các nạn nhân cần phải được khôi phục và các biện pháp thích hợp phải được thực hiện để bồi thường”. Còn giáo sư luật Moon Jae-wan cho rằng: “Tổn thất phải được điều tra và sau đó phải có bồi thường”.

Ngày 11.1.2010, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu xem xét việc bồi thường cho các phóng viên và công ty truyền thông bị ảnh hưởng theo lời đề nghị của TRCK, tờ Korea Herald đưa tin. “Khi Ủy ban Sự thật và Hòa giải đề nghị bồi thường cho các nạn nhân, Chính phủ đã bắt đầu xem xét một số lựa chọn bồi thường. Nhưng những chi tiết cụ thể chỉ có được khi Quốc hội đưa ra một đạo luật đặc biệt liên quan đến vụ đàn áp báo chí đó”, tờ Herald Business trích một nguồn tin từ Chính phủ cho hay.

Để có được kết luận trên, TRCK đã mất 3 năm để điều tra, kiểm tra khoảng 45.000 trang hồ sơ và phỏng vấn 152 người, trong đó có những nhân viên điều tra thuộc Bộ chỉ huy An ninh quốc phòng lúc đó. TRCK gọi đây là vụ nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.