Hàn Quốc với nỗi ám ảnh học đường

16/05/2005 22:15 GMT+7

Nỗi ám ảnh học hành đối với con trẻ đang lan tràn tại Hàn Quốc. Chương trình học quá tải đã khiến nhiều học sinh xứ kim chi phải tự tìm đến cái chết như là giải pháp thoát ra khỏi mê hồn trận giáo dục.

Học, học và học

 

Là một học sinh trung học, Oh Hyun Chul, 16 tuổi, được nhiều bậc phụ huynh ở Hàn Quốc đánh giá là con ngoan. Hằng ngày em dậy lúc 6 giờ sáng và đến trường lúc 7 giờ 20. Em chỉ có thể về nhà vào lúc... 1 giờ 30 sáng ngày hôm sau sau khi đã theo học một số lớp phụ đạo ban đêm! Với lịch học dày đặc như vậy, em chỉ có 4 giờ để ngủ. Nhưng Oh thấy điều đó là bình thường vì hầu hết bạn của em - và gần như tất cả học sinh trung học trên cả nước - đều như vậy. "Em tranh thủ ngủ ở đây một chút, ở kia một tí, chừng 10 phút giữa các lớp học hoặc trên xe buýt", cậu bé gầy gò tâm sự, "Chúng em có quy luật 4 chống 5, tức nếu muốn vào đại học bọn em phải ngủ 4 giờ/ngày, còn nếu ngủ hơn 5 giờ/ngày thì đừng mơ tới cánh cửa đại học".

 

Cách đây một tháng, vào thời điểm kiểm tra giữa kỳ ở các trường trung học, ít nhất 5 học sinh đã tự tử do bị áp lực phải đạt điểm cao. Sự việc trên xảy ra sau khi Bộ Giáo dục và Nhân lực Hàn Quốc thay đổi chương trình thi đại học, biến lớp học thành "chiến trường" theo như cách gọi của học sinh và các bậc phụ huynh. Chương trình học nặng khiến Oh và khoảng 400 học sinh tụ tập tại trung tâm Seoul ngày 7/5 để phản đối. Các em cầm nến để tưởng nhớ những người bạn đã qua đời và phản đối chương trình học quá nặng tại trường. "Trường học đang đẩy chúng em đến những cuộc ganh đua vô tận, dạy chúng em phải giẫm đạp lên bạn bè để thành công" - Shin Ji Hae, nữ sinh 16 tuổi, phát biểu. Đám đông cổ vũ nhiệt tình khi em nói: "Chúng em không phải là những cái máy học mà là những thiếu niên". Đây là lần phản đối công khai đầu tiên của học sinh Hàn Quốc vốn nổi tiếng ngoan ngoãn đối với hệ thống giáo dục quốc gia.

 

Đại học - cánh cổng quyết định tương lai?

 

Theo nhà xã hội học Kim Dong Chun của ĐH Sungkonghoe ở Seoul, tại Hàn Quốc đại học là nơi quyết định tương lai của học sinh sau này. Lương bổng, vị trí và uy tín của một người lúc 60 tuổi không phụ thuộc vào khả năng làm việc của ông ta nhiều bằng việc ông ấy có đỗ vào một trường ĐH danh tiếng nào đó lúc 19 tuổi hay không. Niềm tự hào của gia đình thường phụ thuộc vào việc con cái có được nhận vào trường đại học tốt hay không. Do đó, các bậc cha mẹ luôn trích một khoản tiền khá lớn từ lương của mình để đầu tư vào việc học của con cái.

 

Theo chương trình cải cách giáo dục mới được thông qua hồi đầu năm, điểm trung học sẽ là một nhân tố quan trọng trong quyết định của trường ĐH có chấp nhận một học sinh hay không. Quy định này sẽ có hiệu lực vào năm 2008. Hiện tại, học sinh được chọn vào đại học dựa trên kết quả kỳ thi đại học như ở Việt Nam. Theo các giáo viên, với một kỳ thi quyết định tương lai như thế, các em chỉ tập trung vào việc thi. Vì vậy, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho rằng hệ thống mới sẽ khiến học sinh tập trung vào lớp học. Tuy nhiên, học sinh phàn nàn vì các em phải đối mặt với nhiều kỳ thi giữa kỳ và cuối kỳ. Hệ thống mới còn xếp loại học sinh ở từng cấp lớp, dẫn đến tình trạng ganh đua quyết liệt giữa những em cùng lớp.

 

Mấy tuần qua, hàng ngàn học sinh năm đầu trung học đã tấn công tới tấp vào website của Bộ Giáo dục với nhiều thông điệp phản đối. Làn sóng chống đối lan rộng quá nhanh đến nỗi Bộ trưởng Giáo dục Kim Jin Pyo phải gửi thư tới 1,5 triệu giáo viên và cha mẹ học sinh xin lỗi về sự xáo trộn trên.

 

 Từ lâu, hệ thống trường học Hàn Quốc nổi tiếng là cái nôi "sản sinh" ra nhiều nhân viên tận tụy - nhân tố chính giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, chính hệ thống này cũng bị chỉ trích là quá hà khắc. Thử xem thời khóa biểu của một học sinh trung học. Tại trường học, các tiết học 50 phút bắt đầu lúc 7 giờ 40 sáng và kéo dài tới tận 5 giờ chiều. Tiếp đến, học sinh phải ở lại trường để tự học đến 10 giờ tối. Sau đó, các em lại tiếp tục đi học thêm để ôn lại những gì đã học. Vì thế không có gì quá khó hiểu khi tại đất nước này, trong năm 2003, cứ 100.000 học sinh tuổi từ 15-19 thì có hơn 8 em tự tử. Đến nỗi tự tử trở thành nguyên nhân lớn thứ hai - sau tai nạn giao thông - cướp đi mạng sống của những em học sinh ở lứa tuổi này. (Theo IHT)

 

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.