Đó là câu chuyện xúc động về gia đình Chris Gard và Connie Yates sống ở thị trấn Bedfont, phía bắc thủ đô London (Anh). Ngày 4.8.2016, hai vợ chồng đón đứa con trai đầu lòng Charlie Gard với niềm hạnh phúc ngập tràn khi bé chào đời hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên chỉ khoảng một tháng sau, bé trở nên yếu ớt, không thể tự cử động.
Các bác sĩ phát hiện bé Charlie mắc bệnh hiếm gặp - suy giảm ADN ty thể MDDS. Hội chứng này khiến bệnh nhân suy cơ, suy gan, thận, cơ thể không thể vận động và tổn thương não bộ. Trên thế giới mới chỉ ghi nhận 16 bệnh nhi mắc hội chứng này và đến nay vẫn chưa có biện pháp chữa trị mà chỉ là liệu pháp thử nghiệm, theo tờ The Telegraph.
Cha mẹ Charlie đã tìm mọi cách, thậm chí lao vào cuộc chiến pháp lý với mong muốn tìm cơ hội sống cho con. Tuy nhiên, cặp vợ chồng này đã phải đưa ra một quyết định đau đớn vào ngày 24.7 vừa qua, chấp nhận việc bé không thể đón sinh nhật đầu tiên của mình, sau khi các bác sĩ thông báo Charlie không còn thời gian nữa.
Cuộc chiến pháp lý
Charlie được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Great Ormond Street (GOSH) ở London từ tháng 10.2016. Tuy nhiên, tình trạng của bé ngày càng xấu đi, hiện đã không thể nhìn, nghe, cử động, di chuyển và có những tổn thương não không thể hồi phục. Sự sống của em hiện được duy trì nhờ sử dụng máy trợ thở.
Theo tờ The Telegraph, cha mẹ Charlie muốn đưa bé tới Mỹ để điều trị bằng phương pháp y khoa vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và đã quyên được được khoản quỹ hơn 1,3 triệu bảng (hơn 38 tỉ đồng) cho hành trình gian nan này. Trong khi đó, các bác sĩ ở GOSH cho rằng việc thử nghiệm không phải là để chữa bệnh, chẳng những không cải thiện được tình hình của bé mà còn làm bé đau đớn hơn. Chính vì xuất hiện bất đồng giữa gia đình và bệnh viện về việc quyết định số phận của bé nên vụ việc đã phải đưa ra tòa.
|
Cuộc chiến giành sự sống cho bé kéo dài suốt 5 tháng qua, kể từ hôm 3.3 khi GOSH yêu cầu thẩm phán Nicholas Francis thuộc Tòa gia đình của Tòa thượng thẩm London ra phán quyết để rút ống thở đối với bệnh nhi Charlie.
Hơn một tháng sau khi xem xét, thẩm phán cho phép bệnh viện rút ống thở hỗ trợ sự sống để Charlie có “cái chết nhân đạo”, nhưng cha mẹ bé nhất quyết phản đối. Cặp vợ chồng cho rằng mình có quyền đưa con sang Mỹ chữa trị nên đã kháng cáo lên Tòa phúc thẩm và cả Tòa án tối cao Anh. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của họ đều thất bại. Cặp vợ chồng thậm chí đã cầu viện Tòa án nhân quyền châu Âu nhưng tòa này không can thiệp, theo BBC.
Đã quá muộn
Câu chuyện về bé Charlie thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của dư luận mà của các lãnh đạo quyền lực bậc nhất thế giới. Hôm 2.7, Giáo hoàng Francis đã gọi điện cho cha mẹ bé bày tỏ mong muốn “đồng hành và điều trị cho bé đến phút cuối cùng”. Một ngày sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ trên trang Twitter của mình rằng: “Nếu chúng tôi có thể giúp cho bé Charlie Gard như những người bạn tại Anh và Giáo hoàng, chúng tôi sẽ rất vui mừng làm điều đó”. Giám đốc truyền thông tại Nhà Trắng Helen Ferre cũng cho biết Tổng thống Trump đã đề nghị giúp đỡ gia đình bé Charlie ngay khi nghe tin, tuy nhiên ông không muốn gây sức ép cho gia đình bé mà chọn cách liên lạc với họ thông qua chính phủ Anh.
Rất nhiều người muốn Charlie tiếp tục được sống, nhưng tia hy vọng cuối cùng gần như đã tắt. Sau khi xem báo cáo và kết quả kiểm tra tình trạng mới nhất của bé, các bác sĩ ở Mỹ kết luận đã quá muộn để bé tiếp nhận phương pháp điều trị thử nghiệm ở nước này.
Trong một thông báo đầy xúc động bên ngoài tòa án ngày 24.7, cặp vợ chồng trẻ cho hay họ buộc phải dừng lại mọi nỗ lực pháp lý để cứu con mình. BBC dẫn lời anh Grad chia sẻ: “Giờ đây chúng tôi sẽ dành những khoảnh khắc quý giá cuối cùng này với con trai Charlie. Đứa trẻ xấu số của chúng tôi sẽ không thể đón sinh nhật đầu đời của mình dù chỉ còn chưa đầy hai tuần lễ nữa (4.8)”.
Những mốc sự kiện chín
Tháng 9.2016: Các bác sĩ phát hiện bé Charlie Gard, 1 tháng tuổi, mắc chứng suy giảm ADN ty thể MDDS.
Ngày 3.3.2017: GOSH yêu cầu thẩm phán Nicholas Francis tại Tòa thượng thẩm London ra phán quyết để rút ống thở đối với bệnh nhi Charlie. Ngày 11.4.2017: Thẩm phán Francis phán quyết các bác sĩ có thể ngừng sử dụng thiết bị hỗ trợ sự sống cho Charlie. Ngày 3.5.2017: Cha mẹ Charlie đệ đơn yêu cầu Tòa phúc thẩm xem xét vụ việc. Ngày 25.5.2017: Thẩm phán Tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo sau khi xem xét vụ việc. Ngày 8.6.2017: Cha mẹ Charlie đưa vụ việc lên Tòa án tối cao nhưng tiếp tục thất bại. Ngày 20.6.2017: Tòa án nhân quyền châu Âu bắt đầu xem xét đơn đề nghị do luật sư của cha mẹ Charlie gửi đến. Ngày 27.6.2017: Tòa án nhân quyền châu Âu từ chối can thiệp. Ngày 2 - 3.7.2017: Giáo hoàng Francis và Tổng thống Donald Trump đề nghị giúp đỡ Charlie. Ngày 10.7.2017: Cha mẹ Charlie trình bằng chứng mới về phương pháp điều trị thử nghiệm ở Mỹ lên Tòa thượng thẩm London. Ngày 24.7.2017: Cuộc chiến pháp lý kết thúc sau khi bác sĩ ở Mỹ thông báo đã quá muộn để chữa trị cho Charlie. |
Bình luận (0)