Hé lộ căn cứ tên lửa bí mật ở Triều Tiên

Văn Khoa
Văn Khoa
15/11/2018 15:30 GMT+7

CHDCND Triều Tiên được cho là có khoảng 20 căn cứ tên lửa đang hoạt động, có thể chứa tên lửa đủ sức vươn tới lục địa Mỹ.

Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố báo cáo mới ước tính Triều Tiên có từ 15 - 20 căn cứ tên lửa chưa hề được biết đến trước đây. Trong nghiên cứu đăng trên website của mình, CSIS khẳng định đã xác định được vị trí của 13 căn cứ đang hoạt động. Mỗi cơ sở bao gồm tòa nhà chính, doanh trại, khu nhà ở và nhà kho chứa tên lửa. Tất cả đều nằm ở những khu vực miền núi hẻo lánh và được chia thành 3 vành đai.
Theo đó, những căn cứ thuộc “vành đai chiến thuật”, cách Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) từ 50 - 90 km về phía bắc, chứa tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud và có thể có cả một số lượng nhỏ tên lửa tầm trung Nodong có thể vươn tới những địa điểm trọng yếu ở phía bắc Hàn Quốc.
Tiếp theo là “vành đai tác chiến”, cách DMZ từ 90 - 150 km, được trang bị tên lửa Nodong hoặc những hệ thống tầm xa có thể uy hiếp mọi mục tiêu ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Cuối cùng là những căn cứ nằm trong “vành đai chiến lược”, cách DMZ hơn 150 km, cất trữ tên lửa Nodong lẫn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Taepodong 2. Bên cạnh đó, CSIS dự đoán “vành đai chiến lược” sẽ là nơi tồn trữ ICBM mới Hwasong-14, với tầm bắn có thể vươn tới một số thành phố ở lục địa Mỹ.
Tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên Reuters
Báo cáo cũng nhấn mạnh các căn cứ tên lửa Triều Tiên “là nơi tồn trữ, không phải cơ sở phóng tên lửa”, nhưng có thể đảm nhiệm chức năng này trong trường hợp khẩn cấp. Hầu hết đều có mạng lưới cơ sở dưới lòng đất (UGF) để chứa bệ phóng tên lửa di động (TEL/MEL) cùng các thiết bị hỗ trợ. Trong trường hợp đối phương có dấu hiệu khiêu khích, quân đội Triều Tiên có thể nhanh chóng đưa TEL/MEL ra khỏi UGF đến điểm nạp nhiên liệu rồi di chuyển một khoảng cách ngắn trong căn cứ. TEL/MEL sẽ phóng tên lửa vào mục tiêu đã được xác định rồi trở về UGF hoặc phân tán tới một địa điểm đã được sắp xếp trước. Nếu xung đột có nguy cơ leo thang, TEL/MEL sẽ di chuyển đến cơ sở bảo trì, nạp nhiên liệu rồi vào vị trí phóng.
Cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa có phản ứng về những thông tin trên.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom tuyên bố nghiên cứu của CSIS “không có gì mới” so với những gì cộng đồng tình báo Hàn Quốc và Mỹ đã nắm được. Ông cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng sự hiện diện của các căn cứ tên lửa cho thấy Bình Nhưỡng “không thành thật tuân thủ các thỏa thuận”. Theo phát ngôn viên này, không có bất kỳ thỏa thuận nào đòi hỏi miền Bắc công bố sự tồn tại của các căn cứ tên lửa. Mặt khác, Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục các hoạt động liên quan tên lửa và hạt nhân sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore hồi tháng 6, theo Yonhap.
Về phần mình, Tổng thống Donald Trump hôm 13.11 viết trên Twitter rằng những vị trí căn cứ tên lửa Triều Tiên đang được thảo luận “không có gì mới và bất thường”. “Tôi là sẽ người đầu tiên cho mọi người biết nếu có điều tồi tệ xảy ra”, ông Trump nhấn mạnh. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận trực diện về báo cáo của CSIS mà chỉ nói Washington tin rằng Bình Nhưỡng phải thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn và từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo. Chuyên gia Paul Stares tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng quan hệ đối ngoại (Mỹ) nhận định với tờ South China Morning Post những thông tin mới khó có thể khiến chính quyền Tổng thống Trump thay đổi chính sách về Triều Tiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.