Hệ thống hầm ngầm bí mật của Nga

21/08/2016 09:09 GMT+7

Nga được cho là đã xây dựng hàng chục hầm ngầm kiên cố để chuẩn bị cho khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân trong tương lai.

Theo trang tin Washington Free Bacon, Nga đang xây dựng một loạt boong-ke chỉ huy hạt nhân mới dưới lòng đất. Đây được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy Moscow đang đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa các lực lượng chiến lược then chốt nhằm đối phó với “các quốc gia thù địch”. Giới chức tình báo Mỹ ghi nhận quá trình xây dựng đã được tiến hành trong nhiều năm với “hàng chục” boong-ke bí mật hình thành ngay tại thủ đô Moscow và trên khắp đất nước.
Sẵn sàng cho chiến tranh hạt nhân
Sự hiện diện của các boong-ke mới được hé lộ sau khi tướng lục quân Curtis Scaparrotti, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ, cảnh báo Nga đã thông qua một học thuyết sử dụng hạt nhân mà ông nhận định là không thể xem nhẹ. “Một điều rõ ràng là Nga đang hiện đại hóa các lực lượng chiến lược của họ”, ông Scaparrotti nói tại một hội nghị do Bộ Chỉ huy chiến lược của Mỹ bảo trợ ngày 27.7.
Theo viên tướng Mỹ, học thuyết quân sự của Nga nêu rõ các vũ khí hạt nhân chiến lược có thể được sử dụng trong một kịch bản trả đũa của chiến tranh quy ước. “Đây là điều đáng báo động và nó nhấn mạnh tại sao các lực lượng hạt nhân của Mỹ và NATO tiếp tục là thành phần trọng yếu trong hệ thống răn đe của chúng ta”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Mark Schneider, cựu quan chức phụ trách chính sách hạt nhân của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga được công bố hồi tháng 12 năm ngoái cũng có đề cập việc tăng cường những biện pháp bảo vệ nhân dân trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân. Điều này cho thấy Moscow đang ra sức chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự.
“Nga đang sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh lớn mà họ cho là sẽ cần đến vũ khí hạt nhân, và họ là bên ra đòn trước”, ông Schneider nhận định.
Theo ông, rất nhiều việc Nga đang tiến hành có liên quan đến những mối đe dọa hạt nhân và chiến tranh hạt nhân. Việc chủ động phòng thủ là ưu tiên quan trọng thời Liên Xô trước đây và giới lãnh đạo Nga hiện nay đang hành động “không khác giới lãnh đạo Liên Xô ngoại trừ cái tên”.
Những công trình “khủng”
Có rất ít thông tin chi tiết về các hầm ngầm hạt nhân mới của Nga được tiết lộ. Truyền thông nhà nước Nga cho biết các hầm ngầm đang được xây dựng tại Moscow trong khuôn khổ nỗ lực củng cố các lực lượng chiến lược. Hồi tháng 1, Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ một hệ thống kiểm soát và chỉ huy hiện đại sẽ được chuyển giao cho lực lượng chiến lược của nước này trong năm 2016. RIA-Novosti mô tả hệ thống này như một “hệ thống chỉ huy và kiểm soát tiên tiến thế hệ thứ 5”. Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tá Dmitri Andreyev cho biết hệ thống trên, gọi tắt là IASBU, sẽ sử dụng các tín hiệu số để truyền phát mệnh lệnh tác chiến và kiểm soát các lực lượng chiến lược.
“Hệ thống chỉ huy tác chiến tự động tiên tiến thế hệ thứ 5 đang được thử nghiệm tại các công ty công nghiệp quốc phòng”, ông Andreyev nói và cho biết thêm vào cuối năm nay, các đơn vị tên lửa của Nga sẽ được trang bị những “sở chỉ huy hiện đại cùng các hệ thống tên lửa chiến lược tối tân đang được phát triển theo IASBU”.
Một quan chức Mỹ nói với Washington Free Beacon rằng các cơ sở hạt nhân ngầm mới của Nga không khác những tổ hợp chỉ huy và kiểm soát do Liên Xô thiết lập trong thời kỳ Chiến tranh lạnh trước đây. Nga cũng tiếp tục xây dựng cơ sở hạt nhân dưới lòng đất sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Vào tháng 3.1997, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) từng báo cáo thông qua các kênh thông tin mật về một hệ thống tàu điện ngầm dưới lòng đất nối tư dinh của Tổng thống Nga khi đó là ông Boris Yeltsin ở ngoại ô thủ đô Moscow với một trung tâm chỉ huy của giới lãnh đạo nước này. Báo cáo mô tả công trình này là một “sở chỉ huy chiến lược, có khả năng tồn tại trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân tại núi Kosvinsky”, nằm sâu trong dãy Ural cách Moscow khoảng 1.400 km về phía đông. “Công trình ở núi Kosvinsky dường như cung cấp cho Nga phương tiện sẵn sàng để trả đũa một cuộc tấn công hạt nhân”, báo cáo viết.
Cũng theo CIA, người Nga đang xây dựng hoặc cải tạo 4 tổ hợp trong lòng Moscow để tiếp nhận các lãnh đạo cấp cao của nước này trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân.
Trong khi đó, những ảnh chụp từ vệ tinh mới đây về núi Yamantau, cũng cách Moscow chừng 1.400 km về phía đông, cho thấy sự phát triển của một “tổ hợp nằm sâu dưới lòng đất” và những công trình hỗ trợ mới trên mặt đất tại khu vực này. Ngoài ra, CIA cũng đã định vị được một hầm ngầm để các nhà lãnh đạo Nga sử dụng tại vùng Voronovo, cách Moscow khoảng 75 km về phía nam. Một boong-ke khác ở vùng Sharapovo, cách Moscow khoảng 55 km, được kết nối trực tiếp bằng một hệ thống tàu điện ngầm đặc biệt.
Mỹ đối phó ra sao ?
Nỗ lực chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân được cho là đã ngốn của Nga nhiều tỉ USD, và làm dấy lên những nghi vấn về sự hỗ trợ của Mỹ trước đây dành cho Nga nhằm giúp bảo đảm an toàn các cơ sở hạt nhân của nước này. Giới phân tích quân sự nhận định Mỹ có thể đã phản ứng việc Nga xây dựng các boong-ke hạt nhân dưới lòng đất bằng cách phát triển một loại bom hạt nhân có khả năng thâm nhập sâu, gây nguy hiểm cho cơ sở chỉ huy của Moscow.
Tờ The Wall Street Journal mới đây đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định nâng cấp và thử nghiệm loại bom phá boong-ke lớn nhất trong kho vũ khí của nước này. Cuộc thử nghiệm gần đây nhất đã được tiến hành vào tháng 1.2015, khi MOP (tên của loại bom trên) được một máy bay B-2 cất cánh từ căn cứ không quân Whiteman ở bang Missouri thả xuống một địa điểm thử nghiệm không được tiết lộ. Dự án này bắt đầu từ năm 2007 nhằm mục đích ban đầu là tiêu diệt các cơ sở ngầm kiên cố của Iran, nhưng vào năm 2012, giới chức Lầu Năm Góc nhận định quả bom nặng 13.607 kg không đủ uy lực để phá các boong-ke ngầm ở nước Cộng hòa Hồi giáo nên đã chỉ đạo nâng cấp thiết kế và hệ thống dẫn đường của loại bom này.
Một lựa chọn khác được các chuyên gia hạt nhân Mỹ đề xuất là phát triển vũ khí hạt nhân có sức nổ thấp để có thể sử dụng trong các cuộc tấn công một cách chính xác. Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý tưởng, và giới lãnh đạo quốc phòng Mỹ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cách đối phó hiệu quả với những bước đi đầy tính toán và “nhìn xa trông rộng” của Nga về một cuộc chiến tranh hạt nhân trong tương lai. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Schneider, nay là chuyên gia cao cấp của Viện Chính sách công - một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại bang Virginia, người Mỹ “không nghiêm túc với việc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn, chứ đừng nói là chiến tranh hạt nhân”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.