Hòa giải từ bài học Việt Nam

19/03/2008 01:13 GMT+7

Tiến sĩ Nhật Bản Ito Masako vừa đến Quảng Nam, Bình Định - những nơi trong chiến tranh từng xảy ra các vụ lính Hàn Quốc thảm sát thường dân Việt Nam. Bà muốn tìm hiểu quá trình hòa giải giữa Hàn Quốc và Việt Nam để rút ra bài học cho Nhật Bản và các nước châu Á khác về vấn đề tương tự. Ito Masako đã dành cho Thanh Niên một cuộc trao đổi.

* Trước tiên, xin bà cho biết tình hình nghiên cứu Việt Nam ở nước Nhật ?

- Thời chiến tranh Việt Nam có nhiều sinh viên Nhật Bản nghiên cứu về Việt Nam, chủ yếu các đề tài chính trị, lịch sử. Họ cũng là những nhà nghiên cứu Việt Nam chủ chốt sau này. Nhưng từ khi chiến tranh kết thúc thì số người nghiên cứu không tăng lên. Chỉ đến khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới thì Nhật Bản mới xuất hiện trở lại nhiều sinh viên nghiên cứu Việt Nam, chủ yếu là những vấn đề xã hội học, nhân chủng học...

* Lý do nào để bà quan tâm đến đề tài hòa giải?

- Tôi thấy rằng hoạt động hòa giải của các tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc như Nawauri (Tôi và chúng ta), Tổ chức Y tế  hòa bình vì Việt Nam... với các nạn nhân Việt Nam là rất tốt, đó có thể là bài học hay để chúng tôi tham khảo. Bởi vì đến nay quan hệ kinh tế Nhật Bản với Trung Quốc, Hàn Quốc cùng các nước châu Á khác phải nói là rất tốt, nhưng vấn đề hòa giải thì không được tốt lắm.

* Theo bà thì tại sao quá trình hòa giải giữa Nhật Bản với các quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc… vẫn chưa thành công?

- Trong Thế chiến II, Hiroshima và Nagasaki bị tàn phá bởi bom nguyên tử, nhiều thành phố Nhật khác cũng bị tàn phá, ở Okinawa nhiều người bị giết... nên người Nhật mang cảm giác mình là nạn nhân chiến tranh hơn là thủ phạm. Hơn nữa thời kỳ đó quân đội Nhật Bản kiểm soát rất chặt thông tin khiến người dân không biết nhiều về những tội ác mà quân đội gây ra, nên họ không ý thức được rằng Nhật cũng là thủ phạm. Năm 1995, Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ là Tomiichi Murayama có nói lời xin lỗi, nhưng sau đó Thủ tướng Junichiro Koizumi vẫn viếng thăm đền Yasukuni, điều đó khiến các nước châu Á khác không tin về lời xin lỗi này.

* Vậy cá nhân bà có mong muốn Nhật Bản sẽ hòa giải hay không?

- Có. Vì... (trầm ngâm) chúng tôi phải biết sự thật lịch sử, vì đó là trách nhiệm của những người đang sống hôm nay. Mặc dù những người trẻ sau này không trực tiếp gây ra tội ác trong chiến tranh, nhưng những ký ức đau đớn của người Hàn Quốc, người Trung Quốc đến nay vẫn rất nặng nề.

* Có nhiều người Nhật cùng quan điểm với bà hay không?

- Không đông lắm.

* Trong Thế chiến II, Nhật Bản từng gây ra nạn đói năm 1945 khiến hơn 2 triệu người


Ảnh: Q.T

Tiến sĩ Ito Masako (ảnh) thuộc khoa Nghiên cứu châu Á và châu Phi của bộ phận sau đại học trường Đại học Kyoto. Bà giảng dạy môn lịch sử các nước Đông Nam Á, đặc biệt là lịch sử Nhật Bản xâm lược Đông Nam Á trong Thế chiến II. Từ năm 1995 -1997, bà đến Hà Nội học tiếng Việt, sau đó trải qua một thời gian nghiên cứu các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Lần này trở lại Việt Nam, Masako nghiên cứu hoạt động hòa giải của các tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc đối với Việt Nam như thăm nạn nhân sống sót, xây trường học, bệnh xá, làm đường, làm nhà, khám chữa bệnh miễn phí... Nội dung mà nữ tiến sĩ Masako đang hướng đến là những quan hệ lịch sử nóng bỏng của những nước châu Á từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, trong đó Việt Nam đóng vai trò như một nhân chứng, một mắt xích không thể thiếu của sự thật lịch sử.
Việt Nam chết. Liệu người Nhật ngày nay có biết nhiều về sự kiện lịch sử đó?

- Không biết nhiều. Trước đây giáo sư Furuta Motoo của Đại học Tokyo có sang Việt Nam, cùng đồng nghiệp ở đây thực hiện nghiên cứu điền dã về nạn đói này, sau đó xuất bản một quyển sách về tiếng Việt. Lúc đó sinh viên Nhật Bản có dịch sách này, nhưng số phận bản dịch cuối cùng cũng... không rõ! Một nhà văn từng ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh là Saotome Katsumoto cũng sưu tập và xuất bản hình ảnh về nạn đói 1945. Ngoài ra, không có gì.

* Nếu vậy những quyển sách về vụ thảm sát Nam Kinh ở Trung Quốc, các phụ nữ nô lệ tình dục Triều Tiên… là nạn nhân của quân đội Nhật Bản trong chiến tranh liệu có được xuất bản ở Nhật Bản?

- Những quyển sách ấy vẫn được xuất bản. Tuy nhiên, những người Nhật Bản cánh hữu cũng tổ chức xuất bản những quyển sách khác để phủ nhận những điều đó.

* Những điều bà nói giúp chúng tôi hiểu hơn về quan điểm của người Nhật với lịch sử, với vấn đề hòa giải. Nhưng điều "nhạy cảm" là, tại sao một người Nhật như bà lại chọn người Hàn Quốc để học hỏi?

- Tôi biết rằng nói chung người Hàn Quốc không muốn người Nhật nghiên cứu đề tài này. Họ nghĩ rằng người Nhật không có tư cách nghiên cứu vì lý do Nhật Bản chưa bao giờ ăn năn về những gì mà mình gây ra. Năm 1999, loạt bài phóng sự điều tra về binh lính Hàn Quốc thảm sát thường dân Việt Nam trong chiến tranh của nhà báo Ku Su-jeong đăng trên tạp chí Hankyoreh 21 (Hàn Quốc) cũng thu hút sự chú ý của những người cánh hữu Nhật Bản. Họ muốn nhân sự kiện này để công kích lại người Hàn Quốc. Tuy nhiên, tôi không phải là nhà nghiên cứu chính về Hàn Quốc, mục đích nghiên cứu của tôi cũng không phải là để phê phán lại người Hàn Quốc. Tôi chỉ nghiên cứu về Việt Nam. Tôi chỉ quan tâm đến quá trình hòa giải như thế nào, sự thay đổi thái độ của nạn nhân Việt Nam với người Hàn Quốc ra sao... Nếu được, khi xuất bản sách tôi cũng muốn sách được dịch sang tiếng Hàn Quốc.

Quang Thi (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.