Indonesia đồng ý trả tiền chuộc để đổi lại sự tự do cho 10 thủy thủ của nước này đang bị phiến quân Abu Sayyaf bắt làm con tin thay vì huy động lực lượng và cố gắng giải cứu như tuyên bố trước đây.
Lực lượng khủng bố Abu Sayyaf đang bắt giữ 10 thủy thủ Indonesia làm con tin và đòi tiền chuộc - Ảnh: AFP |
Bộ trưởng phụ trách vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia, ông Luhut Pandjaitan đã cho các nhà báo biết hôm nay 19.4.
"Việc liên lạc tiếp theo giữa công ty và những kẻ bắt giữ con tin có thể sẽ tiến hành vào thứ Tư (20.4) hoặc thứ Năm (21.4)", ông Luhut nói với các phóng viên khi ở Ternate, tỉnh Bắc Maluku, được Straits Times dẫn lại. Số tiền chuộc mà công ty tuyển dụng 10 thủy thủ Indonesia đang bị bắt cóc đồng ý trả là 50 triệu peso.
Tuy nhiên, ông này không cho biết việc trả tiền chuộc được tiến hành khi nào và diễn ra ở đâu. Trước đó, chính quyền Jakarta tuyên bố không nhượng bộ bọn khủng bố Abu Sayyaf và quân đội nước này sẽ phối hợp với quân đội Philippines để cố giải cứu cho các con tin.
Sarah Lubis, đại diện của công ty United Tractors, chủ sở hữu tàu hàng mà 10 thủy thủ làm việc nói với Straits Times qua điện thoại rằng công ty “đang cố gắng làm tất cả để cứu các thuyền viên”.
Lực lượng Abu Sayyaf, bị chính phủ Philippines liệt vào danh sách khủng bố, đã bắt 10 thủy thủ Indonesia hồi cuối tháng 3.2016 cùng với 2 chiếc tàu chở 7.500 tấn than.
Tuy nhiên, nhóm này đã thả tàu và đòi tiền chuộc 1 triệu USD để đổi lấy tính mạng của các thủy thủ Indonesia. Bắt cóc và tống tiền là những hoạt động thường xuyên của Abu Sayyaf ngoài khủng bố, gây bất ổn chính trị ở miền Nam Philippines.
Cướp biển đang hoành hành ở khu vực Đông Nam Á Ảnh: Reuters
|
Hồi ngày 15.4, một nhóm cướp biển không rõ danh tính nhưng được nói là có liên quan đến Abu Sayyaf đã tấn công và bắt cóc 4 thủy thủ Indonesia từ tàu TB Henry với 10 thành viên đang trên đường đến Tarakan, phía Bắc Kalimantan sau khi tiếp nhận 8.000 tấn than từ đảo Cebu của Philippines.
Những thủy thủ khác trên tàu TB Henry đã chạy thoát sau một cuộc chống cự với cướp biển và được cảnh sát biển Malaysia cứu.
Ông Luhut cho biết những nỗ lực để giải phóng 4 người Indonesia bị bắt làm con tin trong vụ này vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên theo ông, việc liên lạc với nhóm bắt 4 người khó hơn so với Abu Sayyaf.
Trước những vụ tấn công của cướp biển, Jakarta kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực Đông Nam Á hợp tác để dẹp nạn hải tặc.
Bình luận (0)