Ngày 28.7, tờ The Straits Times đưa tin một nhóm gồm 19 nhà phân tích, nhà báo, chuyên gia về chính sách và quan hệ quốc tế thuộc nhiều cơ quan nghiên cứu ở Indonesia vào ngày 25.7 đã cùng ký tên vào một tuyên bố chung gửi Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Trong tuyên bố này, các chuyên gia nói rằng việc Trung Quốc bất chấp và bác bỏ phán quyết, do Tòa trọng tài công bố về Biển Đông, đã thôi thúc họ đưa ra quan điểm của mình về vấn đề trên. Tuyên bố đã được ông Evan A.Laksmana, chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Jakarta, xác nhận.
Theo các chuyên gia, phán quyết về Biển Đông là bước đi tiến bộ đối với một cộng đồng các quốc gia tôn trọng luật lệ và các nguyên tắc của luật quốc tế. “Chúng tôi hoan nghênh và ủng hộ những sự giải thích rõ ràng về nhiều khía cạnh khác nhau của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) vốn đóng vai trò nền tảng cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và xử lý những căng thẳng ở Biển Đông”, tuyên bố viết.
Cũng theo các chuyên gia, phán quyết là sự xác nhận quan điểm lâu nay của Indonesia rằng yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc cùng việc sử dụng cái gọi là “quyền lịch sử” để khẳng định chủ quyền, “ngang bằng với việc đảo lộn UNCLOS năm 1982”.
Phán quyết do Tòa trọng tài công bố khẳng định các nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định quyền kiểm soát đối với Biển Đông đã “làm gia tăng” căng thẳng, “gây tác hại không thể khắc phục” đối với môi trường và “vi phạm” quyền chủ quyền của Philippines. Trong tuyên bố chung, các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về việc giới chức Trung Quốc đưa ra những tuyên bố “ngụ ý phán quyết trên là thiếu sót, không có hiệu lực hay không có giá trị”, và rằng nước này “sẵn sàng cân nhắc” việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Theo các chuyên gia, việc bác bỏ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và các hoạt động tố tụng liên quan, cùng những hành vi làm gia tăng tình trạng căng thẳng trong khu vực “không phải là kiểu hành vi có trách nhiệm mà chúng ta có thể kỳ vọng” từ Trung Quốc.
|
Tuyên bố ngày 25.7 cũng đề xuất các bước đi tiếp theo cho Indonesia thời “hậu phán quyết”. Theo họ, nước này cần phải tăng cường và giữ vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các tranh chấp biển với Trung Quốc. Tuyên bố kêu gọi Tổng thống Widodo “ủng hộ và huy động toàn bộ các cơ quan đối ngoại nhằm thể hiện vai trò lãnh đạo chủ động, kiên định và hiệu quả hơn trong việc xử lý vấn đề Biển Đông của ASEAN”.
Sau phán quyết trên, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Indonesia chứng minh cam kết của nước này về một trật tự dựa trên luật lệ và một cơ cấu khu vực do ASEAN lãnh đạo. Việc củng cố vai trò tiên phong của Indonesia trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông của ASEAN là phù hợp và sẽ củng cố thêm tầm nhìn “Điểm tựa hàng hải toàn cầu” của ông Widodo.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng bất kỳ bước đi thực tế nào nhằm khôi phục tính chất trung tâm của ASEAN đều sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu “cam kết thực sự của tất cả các bên” trong việc giữ kiềm chế và giảm căng thẳng sau phán quyết ngày 12.7.
Indonesia không phải một bên trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nhưng nước này “nhập cuộc” sau khi Bắc Kinh tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia là một phần “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc. Hải quân nước này đã nhiều lần đụng độ với tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc ở ngoài khơi quần đảo Natuna. Tháng trước, Tổng thống Widodo đã thực hiện một chuyến đi đến khu vực này để khẳng định chủ quyền và lập trường của Jakarta.
Nghị sĩ Anh phản bác clip của Trung Quốc
Nga - Trung sắp tập trận chung tại Biển Đông Nghị sĩ Anh Catherine West, đóng vai trò ngoại trưởng “bóng tối” thuộc Công đảng, đã lên tiếng phản ứng khi nhận xét của bà này bị cắt xén và xuyên tạc để tăng thêm trọng lượng cho clip tuyên truyền “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đang phát tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ. Theo trang tin Quartz ngày 27.7, Bắc Kinh đã thuê quảng cáo tại màn hình ở Quảng trường Thời đại để phát clip tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông (ảnh). Clip được phát 120 lần mỗi ngày từ ngày 23.7 - 3.8.
Nữ nghị sĩ nhấn mạnh: “Tôi không hài lòng khi hình ảnh của tôi được sử dụng nhằm mục đích cho rằng tôi ủng hộ cách tiếp cận hiện tại mà Trung Quốc đang áp dụng tại Biển Đông”. Theo nghị sĩ West, Bắc Kinh đã “biên tập” câu nói của bà. Ngược lại, bà khẳng định quan điểm ủng hộ các quy trình pháp lý như phán quyết của Tòa thường trực ở The Hague, và liên tục phản đối các hành vi quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đang theo đuổi.
* Liên quan tình hình Biển Đông, Reuters ngày 28.7 dẫn thông tin từ phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay nước này và Nga sắp tổ chức tập trận chung trên Biển Đông vào tháng 9 tới. Nội dung tập trận chưa được công bố chi tiết.
H.G
|
Bình luận (0)