IS và al-Qaeda vẫn là mối đe dọa lớn sau cuộc chiến 20 năm của Mỹ

29/08/2021 06:15 GMT+7

Trong 20 năm, Mỹ và các đồng minh đã tiến hành cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan . Tuy nhiên, vụ đánh bom liều chết ngày 26.8 ở thủ đô Kabul cho thấy các tổ chức cực đoan vẫn là mối đe dọa lớn.

Với các chuyên gia chống khủng bố, ngay cả trước thời điểm Taliban nắm quyền kiểm soát, ác mộng là khi Afghanistan trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhóm khủng bố như al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Vụ đánh bom liều chết IS thực hiện ở sân bay Kabul hôm 26.8 khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 13 quân nhân Mỹ, làm dấy lên lo ngại rằng cơn ác mộng này đang nhanh chóng trở thành hiện thực.

Người dân Afghanistan 'lòng như có lửa đốt' sau ngày sân bay Kabul bị IS đánh bom khủng bố

Trong 20 năm đóng quân ở Afghanistan để đối phó chủ nghĩa khủng bố, Mỹ và các đồng minh đã khiến al-Qaeda và IS tại đây suy yếu khi tiêu diệt các tay súng và thủ lĩnh của hai nhóm này. Tuy nhiên, The New York Times dẫn lời các chuyên gia về khủng bố cho rằng al-Qaeda và IS đã thích ứng và phát triển thêm các nhóm nhỏ để thể hiện chủ nghĩa cực đoan trên toàn thế giới.

Vụ đánh bom hôm 26.8 cho thấy các nhóm khủng bố vẫn có khả năng gây ra thương vong hàng loạt bất chấp nỗ lực của Mỹ. Vụ việc cũng đặt ra vấn đề: Liệu Taliban có thể giữ lời hứa với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump rằng Afghanistan sẽ không là nơi để các nhóm khủng bố tổ chức tấn công Mỹ và các đồng minh hay không?

IS - kẻ thù của Taliban

Việc Taliban lên nắm quyền không có nghĩa là lực lượng này có thể kiểm soát toàn bộ các phe nhóm ở Afghanistan. Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K), nhánh của IS tại Afghanistan và là kẻ thù không đội trời chung của Taliban, trong năm nay đã thực hiện hàng chục vụ tấn công nhằm vào dân thường, quan chức Afghanistan và cả Taliban.

Vài tháng tháng trước khi Mỹ rút quân, 8.000-10.000 tay súng từ Trung Á, Bắc Caucasus (Nga), Pakistan và vùng Tân Cương ở miền tây Trung Quốc đã tràn vào Afghanistan, Liên Hiệp Quốc kết luận trong báo cáo hồi tháng 6. Hầu hết số tay súng này có liên hệ với Taliban hoặc al-Qaeda và một phần nhỏ trong đó theo ISIS-K, gây ra thách thức lớn đối với sự ổn định và an ninh ở Afghanistan.

Dù các chuyên gia chống khủng bố cho rằng IS ở Afghanistan khó thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn vào phương Tây, nhiều ý kiến cho rằng IS đã trở nên nguy hiểm hơn và hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới hơn al-Qaeda.

Vì sao ISIS-K lại đối đầu Taliban?

“Rõ ràng ở Iraq và Syria, châu Á hoặc châu Phi, IS là mối đe dọa lớn hơn al-Qaeda. Tư tưởng của IS được lan truyền rộng rãi hơn", The New York Times dẫn lời Hassan Abu Hanieh, chuyên gia về các phong trào Hồi giáo tại Viện Chính trị và Xã hội ở Amman (Jordan), cho biết.

Được các cựu thành viên Taliban người Pakistan bất mãn thành lập cách đây 6 năm, ISIS-K đã thực hiện nhiều vụ tấn công hơn trong năm nay, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc.

Một nạn nhân của vụ khủng bố tại Kabul ngày 26.8 được đưa đến bệnh viện

Chụp màn hình The New York Times

Số lượng thành viên ISIS-K đã giảm xuống còn khoảng 1.500-2.000, chỉ bằng một nửa so với mức cao nhất vào năm 2016, sau khi Mỹ thực hiện nhiều cuộc không kích và biệt kích Afghanistan bao vây khiến nhiều thủ lĩnh của nhóm thiệt mạng.

Tuy nhiên từ tháng 6.2020, ISIS-K có thủ lĩnh mới đầy tham vọng là Shahab al-Muhajir, người đang cố gắng chiêu mộ các thành viên Taliban bất mãn và các phần tử cực đoan khác. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, ISIS-K "vẫn đang hoạt động và gây nguy hiểm”.

Tại Afghanistan, IS là kẻ thù của Taliban. Hai nhóm đã tranh giành địa bàn, đặc biệt là ở miền đông Afghanistan. IS cũng không công nhận việc Taliban tiếp quản quyền kiểm soát Afghanistan.

Cuộc chiến giữa IS và al-Qaeda

Al-Qaeda cũng đã thay đổi nhiều so với lúc Osama bin Laden làm thủ lĩnh. Nhóm này thành lập các nhánh ở Yemen, Iraq, Syria, một số khu vực của châu Phi và châu Á.

Một số nhóm “chân rết” đã sửa đổi hoặc thậm chí bãi bỏ tư tưởng của al-Qaeda để đạt mục đích riêng. Thủ lĩnh hiện tại của mạng lưới này là Ayman al-Zawahri đang ở Afghanistan. Và al-Zawahr được cho là không thể đạt được tầm ảnh hưởng với các phần tử Hồi giáo cực đoan như Bin Laden.

Đàm đông đang cố gắng di tản khỏi Afghanistan tập trung ngoài sân bay Kabul là mục tiêu dễ dàng cho các vụ tấn công khủng bố

Shutterstock

Nhìn chung, al-Qaeda không kiểm soát hoạt động của các nhóm nhỏ như IS. Điều này có thể mang lại lợi thế cho IS, theo Hassan Hassan, đồng tác giả một cuốn sách về IS và là tổng biên tập tạp chí Newlines.

Ông Hassan giải thích al-Qaeda quản lý nhóm nhỏ của mình theo kiểu mở một cửa hàng nhượng quyền và cử người xuống kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, IS bổ nhiệm một thành viên cấp cao từ tổ chức gốc xuống để quản lý các nhóm nhỏ.

IS và al-Qaeda là hai tổ chức xem nhau như kẻ thù, thường đối chọi gay gắt, cạnh tranh trong việc tuyển mộ thành viên, huy động tài trợ và nhiều lần giao tranh trực tiếp ở Afghanistan, Syria và các nơi khác.

Taliban rơi vào thế khó

Giờ đây, sau khi Mỹ rút quân và Taliban mở rộng quyền kiểm soát, Afghanistan có thể trở thành chiến trường chính của IS và al-Qaeda, The New York Times nhận định.

Trong một thỏa thuận với chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm ngoái, Taliban thề không cho phép al-Qaeda sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tấn công Mỹ. Tuy nhiên, Taliban sẽ tôn trọng cam kết này đến mức nào và liệu lực lượng này có thể thực hiện lời hứa hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Các thành viên Taliban tại Kabul vào ngày 27.8

Reuters

IS lại không phải chịu những ràng buộc như vậy, khiến tổ chức này có thể lợi dụng sự hỗn loạn do Mỹ sắp đến thời hạn rút quân vào ngày 31.8 và việc chuyển đổi chính quyền ở Afghanistan.

“Sự thay đổi từ lực lượng an ninh này sang lực lượng an ninh khác tạo cơ hội cho IS”, ông Hassan cho biết.

Cách Taliban quản trị đất nước trong thời gian này có thể sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các nhóm khủng bố ở Afghanistan. Trong các tuyên bố kể từ khi giành Kabul, các quan chức Taliban ẩn ý rằng họ sẽ không áp dụng luật Hồi giáo theo cách nghiêm ngặt như khi lực lượng này nắm quyền trong giai đoạn 1996-2001.

Tuy vậy, Taliban không đoàn kết như vẻ bề ngoài. Ông Abu Hanieh, chuyên gia về các phong trào Hồi giáo, cho biết sự thay đổi theo hướng mềm mỏng của giới lãnh đạo nhóm này có thể dẫn đến việc các thành viên theo phe cứng rắn của Taliban sang đầu quân cho IS. “Đây là một thách thức lớn đối với Taliban. Lực lượng này sẽ không thể loại bỏ phe cực đoan dù cho họ muốn làm vậy”, ông Hanieh nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.