Sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân hôm 4.7, vấn đề phòng thủ phóng xạ của Mỹ lại được mang ra bàn tán sôi nổi. Nước này một lần nữa bị đặt trước viễn cảnh có thể bị tấn công hạt nhân bởi một quốc gia thù địch như thời Chiến tranh lạnh lên đỉnh điểm đầu thập niên 1960. Khi đó, căng thẳng liên tục leo thang với những sự kiện như vụ Vịnh con lợn năm 1961, sự xuất hiện của bức tường Berlin cùng năm trong khi Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ý nhằm răn đe Liên Xô. Tiếp theo, khủng hoảng tên lửa Cuba nổ ra năm 1962 càng khiến người Mỹ lo sợ về nguy cơ bị Liên Xô tấn công hạt nhân. Khoảng 200.000 boong ke và hầm tránh phóng xạ được xây dựng trên cả nước tính đến năm 1965, theo chuyên san The National Interest. Hơn ai hết, Tổng thống John F.Kennedy là người hiểu rõ tầm quan trọng của việc phòng bị và không lâu sau ngày ông nhậm chức (20.1.1961), một đơn vị đã được chỉ định xây dựng hầm trú ẩn bí mật tại đảo nhân tạo Peanut (hạt Palm Beach, bang Florida, Mỹ).
Căn hầm khiêm tốn
|
Vào thời điểm đó, những căn hầm trú ẩn hạt nhân được xây với rất nhiều hình dáng, kích thước và công dụng. Một boong ke đơn giản nhất bao gồm những căn phòng bê tông nối với nhau bằng đường dẫn dạng hình ống bằng kim loại, được gia cố thêm gỗ cứng. Đối với giới giàu có, hầm trú ẩn có thể có thêm các tiện nghi như bồn tắm nước nóng, bể bơi... Trong khi đó, hầm trú hạt nhân của nhân vật quyền lực nhất nước Mỹ lại bị đánh giá là khá khiêm tốn so với mặt bằng chung. Căn hầm trú ẩn được đơn vị xây dựng thuộc hải quân Mỹ (SeaBees) hoàn thiện chỉ trong vòng 10 ngày. Mang tên Detachment Hotel, căn hầm nằm không xa một căn nhà có kiến trúc thời thuộc địa và là nơi đồn trú của Lực lượng tuần duyên Mỹ. Theo mô tả của tờ The New York Times, lối vào hầm được ngụy trang khéo léo bằng những bụi cây rậm rạp và trên giấy tờ, nơi đây là một kho vũ khí của tuần duyên.
Tuy nhiên, đằng sau cánh cửa là những lối đi hình ống bằng thép, bên trong có máy phát điện, bộ phận lọc và bơm không khí, máy dò phóng xạ và cả buồng khử trùng. Phòng chính có 15 chiếc giường tầng bằng kim loại. Cách bài trí bị cho là khá thô kệch với một chiếc bàn làm việc bằng gỗ cho tổng thống ở góc phòng và một trường kỷ. Trên bàn làm việc đặt một quả địa cầu, gạt tàn thuốc, 3 bộ điện thoại, quốc kỳ và cờ hiệu của tổng thống. Phía sau bàn là ghế đong đưa, phù hợp cho bệnh đau lưng của Tổng thống Kennedy. Chưa hết, trên sàn bê tông sơn huy hiệu của tổng thống, những giá kệ chất đầy thùng đựng nước, sáp dưỡng ẩm, thực phẩm dự trữ... Ngoài ra, có cả một khu trung tâm liên lạc, chứa những thiết bị cần thiết như máy vô tuyến và mặt nạ phòng độc để tổng thống có thể duy trì quyền kiểm soát tình hình. Toàn bộ công trình rộng khoảng 140 m2, nằm sâu dưới 7 m bê tông, than chì và đất đá, được thiết kế đủ chỗ cho 30 người trú ẩn trong một tháng nếu xảy ra tấn công hạt nhân.
Bí mật bị chôn vùi
Không phải ngẫu nhiên mà công trình trú ẩn phóng xạ này được xây dựng trên đảo Peanut. Nơi đây chỉ cách ngôi nhà được gọi là Nhà Trắng mùa đông do gia đình Kennedy sở hữu ở Palm Beach, nơi tổng thống thường đến nghỉ dưỡng vào cuối năm, chỉ khoảng 5 phút đi trực thăng hoặc 15 phút đi tàu. Với nguy cơ chực chờ từ mối đe dọa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Liên Xô bố trí tại Cuba, Tổng thống Kennedy được bảo đảm nhanh chóng sơ tán từ nhà đến hầm trú bằng trực thăng, và đây sẽ trở thành tổng hành dinh của ông nếu thủ đô Washington D.C hay New York bị tấn công. Ông Anthony Miller, thành viên quản lý của Bảo tàng Hàng hải Palm Beach, cho biết nhiều cuộc diễn tập sơ tán và chỉ huy thời chiến từng diễn ra tại đây và Tổng thống Kennedy cũng tham gia 2 lần. Tuy nhiên, cũng như sự tồn tại của căn hầm, mọi hoạt động liên quan đều được giữ bí mật hoàn toàn. “Tất cả đều được liệt vào dạng tuyệt mật”, Miller nói với The New York Times.
|
Bảo tàng Hàng hải Palm Beach là đơn vị thuê lại một phần khu đất trên đảo Peanut vào năm 1995, sau đó tân trang căn hầm và khai thác hoạt động du lịch, tham quan từ năm 1999. Phía sau căn phòng lớn nhất của hầm là một lối thoát khẩn cấp dẫn đến bãi đáp trực thăng trong trường hợp bị tấn công. “Nơi này không thể chịu đựng một cuộc tấn công trực tiếp. Nó chỉ là một hầm trú ẩn có lẽ nhằm bảo vệ các yếu nhân khỏi bụi phóng xạ cho đến khi có tàu ngầm hoặc tàu chiến đến đảo Peanut để đưa họ đi”, theo ông Miller.
Dù vậy, Tổng thống Kennedy chưa từng phải sử dụng đến công trình này và nó bị bỏ không từ sau khi ông bị ám sát vào năm 1963. Mãi đến 11 năm sau, chính quyền Mỹ chính thức thừa nhận sự tồn tại của căn hầm. Tờ Sun Sentinel dẫn lời nhà sáng lập Bảo tàng Hàng hải Palm Beach John Grant cho hay trước khi được sửa chữa, hầm trú ẩn hư hại nghiêm trọng và bị ngập một phần. Thậm chí, nhiều thanh niên táo tợn còn lẻn vào tổ chức tiệc tùng hằng đêm. Nhờ nỗ lực trùng tu, căn hầm giờ đây đón khoảng 12.000 du khách mỗi năm và chi phí bảo dưỡng hoàn toàn đến từ tiền vé cũng như đóng góp tự nguyện của các nhà hảo tâm. Chính phủ cũng như gia đình Kennedy không đóng góp tài chính gì cho nơi này dù bà Ethel Kennedy, vợ của cố Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy (em trai Tổng thống Kennedy), và các cháu thường đến tham quan, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ hồi năm 1961 còn xây thêm một hầm trú ẩn tương tự trên đảo Nantucket ở bang Massachusetts, quê nhà của Tổng thống Kennedy và là nơi nghỉ hè ưa thích của gia đình ông. Tuy nhiên, công trình này chưa từng được mở cửa cho công chúng.
Peanut (đậu phộng), rộng 32 ha, là đảo nhân tạo được bồi đắp trên một con lạch dẫn vào Palm Beach từ năm 1918 nhằm làm cảng tiếp nhận tàu vận chuyển dầu phộng, theo Reuters. Mặc dù ngành nghề này sau đó không phát triển nhưng cái tên Peanut vẫn được giữ lại. Hòn đảo bị đóng cửa đối với dân thường từ năm 1936 khi quyền quản lý được chuyển giao cho tuần duyên Mỹ để chuẩn bị ứng phó Thế chiến 2. Mãi đến năm 1995, Bảo tàng Hàng hải Palm Beach mới thuê lại khu đất này, bao gồm cả căn hầm trú bụi phóng xạ, rồi trùng tu và mở cửa đón khách tham quan.
|
Bình luận (0)