Cách đây hơn 2 tuần, Mỹ, Anh và Liên minh Châu Âu đã áp đặt lệnh cấm vận lên những quan chức Trung Quốc bị cáo buộc lạm dụng nhân quyền đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương. Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc và lập tức đáp trả bằng cách áp đặt lệnh cấm vận lên nhiều nghị sĩ, học giả châu Âu. Ngoài ra, giới chức Trung Quốc còn chỉ trích những thương hiệu phương Tây nêu quan ngại về cáo buộc cưỡng ép lao động ở Tân Cương.
Kêu gọi tẩy chay
Ngày 29.3, phát ngôn viên Từ Quý Tương của chính quyền Tân Cương cảnh báo các công ty phương Tây không nên dính vào căng thẳng đang leo thang nói trên, chỉ đích danh thương hiệu thời trang Thụy Điển H&M.
“Tôi không nghĩ công ty cần chính trị hóa hành vi kinh tế của mình. Liệu H&M còn tiếp tục kiếm được tiền ở thị trường Trung Quốc nữa hay không? Không còn được nữa”, ông Từ nhấn mạnh, theo Đài Al Jazeera.
Trước làn sóng bị tẩy chay ở Trung Quốc, giá cổ phiếu Nike ngày 25.3 giảm hơn 3%, giá cổ phiếu Adidas giảm hơn 6% và con số tương tự của H&M là gần 2%. Trong khi đó, giá cổ phiếu Công ty Anta Sports Products của Trung Quốc tăng 6% sau khi công ty tuyên bố sẽ tiếp tục sử dụng bông vải từ Tân Cương. Bông vải được sản xuất ở Tân Cương chiếm khoảng 87% sản lượng toàn Trung Quốc hoặc 1/5 tổng sản lượng toàn cầu, theo Tân Hoa xã.
|
Ngoài ra, Nhân Dân nhật báo ngày 25.3 kêu gọi tẩy chay Nike, Adidas và những thương hiệu phương Tây khác đã bày tỏ quan ngại về bông vải được sản xuất ở Tân Cương. Hàng chục ngôi sao giải trí Trung Quốc cũng đã dừng các hợp đồng hoặc cho hay sẽ cắt đứt quan hệ với những thương hiệu như Nike, Adidas, Puma, Converse, Calvin Klein và Tommy.
Ngày 29.3, một phát ngôn viên khác của chính quyền Tân Cương khẳng định người Trung Quốc không muốn dùng sản phẩm của những công ty tẩy chay bông vải ở Tân Cương như H&M và Nike. Ít nhất 6 cửa hàng H&M đã bị đóng cửa ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương, và một số thành phố khác của Trung Quốc, theo Bloomberg.
Dấu hiệu nhượng bộ ?
Phản hồi lại làn sóng tẩy chay, H&M tối 24.3 khẳng định công ty “không đại diện cho bất kỳ lập trường chính trị nào” và cam kết đầu tư dài hạn ở Trung Quốc. Trong tuyên bố đưa ra tuần này, H&M ca ngợi các nhà cung cấp Trung Quốc và cho hay công ty “đang tiến hành các bước kế tiếp liên quan gia công nguyên liệu”, nhưng không hé lộ chỉ dấu về những bước có thể xoa dịu Bắc Kinh, theo AP.
Trong khi đó, chính quyền TP.Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 2.4 thông báo website của H&M đã đồng ý sửa đổi một “bản đồ có vấn đề” của Trung Quốc trên mạng, sau khi Văn phòng Kế hoạch và quản lý tài nguyên của thành phố này đưa ra yêu cầu, nhưng không nêu cụ thể những thay đổi. Trong khi đó, theo AP, Trung Quốc đã yêu cầu các thương hiệu phải hiển thị trên bản đồ những khu vực nước này tuyên bố có chủ quyền, trong đó có đường lưỡi bò phi pháp ở Biển Đông.
“Bản đồ có vấn đề” thường được Bắc Kinh sử dụng để nói về bản đồ Trung Quốc xem là có yếu tố “gây phương hại chủ quyền, lãnh thổ, an ninh và lợi ích” của nước này. Trung Quốc đã đơn phương công bố đường lưỡi bò nuốt gần trọn Biển Đông. Dù đường lưỡi bò đã bị cộng đồng quốc tế nhiều lần lên án và bị bác bỏ bởi phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế, Bắc Kinh vẫn dùng thủ đoạn cài cắm bản đồ đường lưỡi bò phi pháp thông qua hàng loạt ấn phẩm khoa học, hàng hóa, các thiết bị di động và thậm chí đồ chơi trẻ em.
Bình luận (0)