Sự quái gở, phong cách nổi loạn đã làm nên một Bob Dylan huyền thoại suốt mấy chục năm qua. Đó là trong văn chương, âm nhạc. Còn quái gở đến không thèm nói một lời nào sau khi được công bố thắng giải thưởng Nobel danh giá ngoài đời thực đã khiến ban tổ chức nổi giận.
Per Wastberg, một thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển gọi thái độ im lặng của Bob Dylan là “thô lỗ và kiêu căng”. Với một người quái gở như ca sĩ 75 tuổi này, sự im lặng đó… mang đậm chất Bob Dylan. Có điều cái giá của sự quái gở đó - nếu tiếp tục duy trì - sẽ không rẻ tí nào: 900.000 USD, tức toàn bộ giá trị của giải thưởng.
Về mặt danh tiếng, cái tên Bob Dylan sẽ vẫn lưu danh mãi là người thắng giải Nobel văn chương 2016. Tổ chức Nobel không chấp nhận một sự từ chối nào. Dẫu Bob Dylan có thẳng thừng tuyên bố rằng ông không thèm cái giải thưởng đó đi chăng nữa thì tên của ông vẫn ở đó.
Nhưng tiền thưởng thì là chuyện khác. Theo quy định, để được nhận 900.000 USD, Bob Dylan phải đọc một bài diễn văn có liên quan đến các tác phẩm văn học của ông. Bob Dylan vẫn còn ngày dài tháng rộng để làm điều đó: chậm nhất là 6 tháng sau ngày 10.12 tới, thời điểm kỷ niệm ngày qua đời của tác giả giải thưởng Nobel, ông Alfred Nobel.
Nhưng cứ theo lẽ bình thường thì Bob Dylan phải làm điều đó lâu rồi. Khi giải thưởng được công bố, ông đang biểu diễn trước đông đảo khán giả nhưng không thèm nói lấy một lời cảm ơn, một lời bày tỏ sự vui sướng, một lời thông báo là ông đã đoạt giải Nobel danh giá.
|
Mà Uỷ ban Nobel đã tỏ ra tạo điều kiện tối đa cho Bob Dylan. Phát ngôn viên của Uỷ ban Nobel, ông Jonna Petterson tuyên bố nếu không muốn đọc bài phát biểu liên quan đến văn chương, Bob Dylan cũng có thể tổ chức một buổi hòa nhạc nhận giải. “Chúng tôi cố gắng tìm một giải pháp hợp với người được trao giải”, ông Petterson tuyên bố.
Nếu không thích phải lặn lội sang tận Stockholm (Thụy Điển) để đọc bài diễn văn nhận giải, nhà văn Mỹ này cũng không buộc phải làm thế. Khi nhà văn Anh Doris Lessing đoạt giải Nobel văn chương 2007, bà quá ốm yếu nên đã soạn một bài phát biểu, gởi đi để nó được đọc trong một buổi lễ ở Thụy Điển.
tin liên quan
Dấu ấn của Bob Dylan trên điện ảnhChủ nhân của giải Nobel văn hương 2016, lãng tử du ca Bob Dylan, cũng là người từng được xướng tên trên bục nhận tượng vàng Oscar năm 2001.
Vấn đề nằm ở thiện chí, điều Bob Dylan tỏ ra là không có, ít nhất là tới thời điểm này. Ban tổ chức chưa một lần liên lạc được với Bob Dylan, còn người nổi tiếng thì vẫn cứ đang “giả câm, giả điếc” trước mắt công chúng về đề tài giải thưởng Nobel, dẫu sự im lặng này có thể mang đơn giá tới 900.000 USD.
Bob Dylan có quyền im lặng để “khỏi phải” nhận tiền. Nhưng ông có sẵn một tấm gương để nhìn vào. Hãng tin Reteurs ngày 24.10 nhắc lại việc nhà văn người Pháp Jean-Paul Sartre từng từ chối nhận giải thưởng Nobel văn chương vào năm 1964. Vài năm sau, khi ông lâm vào hoàn cảnh khó khăn, luật sư của ông đã liên lạc với tổ chức Nobel để xin nhận tiền, nhưng Sartre đã bị từ chối.
Bình luận (0)