Kho dự trữ 'ngày tận thế' của Mỹ

01/07/2016 09:00 GMT+7

Báo chí Mỹ vừa tiết lộ thông tin về một chương trình tối mật mang tên Dự trữ chiến lược quốc gia để phòng ngừa các tình huống khẩn cấp về y tế.

Theo Đài NPR, một ngày nào đó hàng ngàn mạng sống sẽ phải phụ thuộc vào kho dự trữ đủ loại thuốc men và thiết bị y tế quý giá, đủ để chống chọi trước thảm họa tấn công khủng bố bằng vũ khí hóa học, sinh học hoặc thậm chí cả vũ khí hạt nhân.
Kho báu 7 tỉ USD
Greg Burel, Giám đốc chương trình Dự trữ chiến lược quốc gia (SNS) trực thuộc Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC), từ chối tiết lộ nhiều thông tin liên quan đến chương trình mà đa số người Mỹ chẳng hề biết đến, từ vị trí, số lượng cũng như các hạng mục thuốc men được cất giấu. Tuy nhiên, giá trị của chúng đủ để cho thấy tầm quan trọng của chương trình. “Các kho thuốc đang được lưu trữ trị giá hơn 7 tỉ USD”, theo NPR dẫn lời Giám đốc Burel.
Những người khách hiếm hoi đến được nơi này phải ký vào thỏa thuận giữ bí mật thông tin, nhưng ai nấy đều phải công nhận kho dự trữ dường như bao la và chứa nhiều loại thuốc khiến người xem phải choáng ngợp.
Theo trang National Academies, SNS hình thành vào năm 1999, với ngân sách khoảng 50 triệu USD. Kể từ đó, dù không công khai chi tiết trước dư luận, nhưng rõ ràng mục tiêu của chương trình là luôn duy trì và tích lũy vô số loại thuốc dùng để đối phó trước bất cứ nguy cơ an ninh nào.
Kho dự trữ bao gồm hàng triệu liều vắc xin chống các tác nhân khủng bố sinh học như vi rút gây bệnh đậu mùa, thuốc chống vi rút trong trường hợp dịch cúm có nguy cơ chết người, những loại thuốc điều trị phỏng và ói mửa do phóng xạ, thuốc giải độc hóa học, dụng cụ chăm sóc vết thương, dịch truyền qua đường tĩnh mạch và kháng sinh các loại. Còn có những loại thuốc như chất giảm đau có thể gây nghiện được khóa kín để tránh mất cắp.
Mục tiêu của SNS là luôn duy trì và tích lũy vô số loại thuốc dùng để đối phó trước bất cứ nguy cơ an ninh nào Shutterstock
Shirley Mabry, người chịu trách nhiệm hậu cần tại kho dự trữ, cho biết các máy thở vẫn luôn được duy trì trong tình trạng sẵn sàng. Chúng được sạc mỗi lần trong tháng, và được mang ra bảo trì hằng năm.
Trên thực tế, tất cả mọi thứ trong kho dự trữ đều được kiểm kê thường niên và ngày hết hạn sử dụng được kiểm tra để đảm bảo thuốc men luôn an toàn cho sử dụng.
Riêng khâu trông nom và kiểm kê cũng ngốn hơn nửa tỉ USD mỗi năm nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu trong thời buổi hiện tại. Việc xác định hạng mục nào cần được bổ sung vào kho dự trữ cũng là một thách thức.
Quá trình chọn lọc này được gọi là PHEMCE, và cần cả bộ máy của chính phủ góp sức thực hiện, từ các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng đến Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm. Mục đích là chắc chắn rằng mọi loại thuốc và công cụ y tế cần thiết đều có sẵn và phù hợp trong mỗi thời điểm.
Thách thức ở địa phương
Trong một vụ tấn công bệnh than với quy mô lớn, chỉ có 48 giờ để chuyển thuốc kháng sinh đến tay người bệnh. Do vậy, mọi thứ cần phải được sẵn sàng xuất kích bất kỳ lúc nào.
Ví dụ, khu nhà kho luôn để sẵn 130 công hàng nhằm đảm bảo rằng có thể đưa 50 tấn vật liệu đến nơi cần thiết trong vòng 12 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu từ CDC. Theo thông tin từ cơ quan này, SNS đã vận chuyển thành công và kịp thời thuốc men đến thành phố New York và thủ đô Washington vào thời điểm cả nước Mỹ đang choáng váng trước các cuộc tấn công khủng bố vào ngày 11.9.2001 và các vụ tấn công bằng vi khuẩn gây bệnh than, diễn ra 1 tuần sau đó. Sau thảm họa bão Katrina và Rita ở bang Mississippi và Louisiana vào tháng 9.2005, CDC đã nhanh chóng chuyển thuốc men, vật dụng y tế đến vùng gặp nạn.
Trực thăng cứu hộ làm nhiệm vụ trong thảm họa bão Katrina AFP
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của Mỹ khi đối mặt nguy cơ tấn công khủng bố hoặc đối phó thiên tai không phải là làm sao chuyển được thuốc men, dụng cụ y tế đến tận nơi, mà là đủ nguồn nhân lực tại các địa phương để làm điều đó.
Khi xảy ra biến cố, các công hàng được gửi đến các nhân viên y tế tiểu bang và thành phố, những người chịu trách nhiệm phân phát và tiêm thuốc cho từng bệnh nhân. Tuy nhiên, Paul Petersen, Giám đốc Cơ quan Sẵn sàng ứng phó tình trạng khẩn cấp tại bang Tennessee, cho hay số lượng nhân viên tại các địa phương không những đang bị cắt giảm mà ngân sách đổ vào lực lượng này quá thấp. “Nhiều khu vực trên khắp nước Mỹ đang thiếu nhân viên và nguồn lực để kịp thời vận động trong những sự kiện quy mô lớn”, theo ông Petersen.
Nguy cơ khủng hoảng lương thực
Theo trang tin Vice ngày 26.6, cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ đang lên kế hoạch đối phó một cuộc khủng hoảng thực phẩm trên toàn cầu có thể kéo dài đến cả thập niên. Nguy cơ này được cảnh báo trong một báo cáo do tổ chức nghiên cứu CNA Corporation thực hiện vào tháng 12.2015 nhưng chỉ mới được công bố rộng rãi gần đây.
Báo cáo đã mô tả tình hình chi tiết về cuộc khủng hoảng từ năm 2020 đến 2030 dựa trên một chương trình diễn tập giả lập trên máy tính có tên gọi “Phản ứng dây chuyền thực phẩm”, với sự tham gia của 65 quan chức đến từ Mỹ, châu Âu, châu Phi, Ấn Độ, Brazil. Số liệu của mô hình giả lập được lấy từ các dữ liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngân hàng Thế giới và Tập đoàn nông nghiệp Cargill, cùng các nhà phân tích độc lập.
Theo đó, cuộc nghiên cứu đặt thông số là đến năm 2024, giá thực phẩm trên toàn cầu sẽ tăng đến 395% theo sau nhiều vụ mất mùa ở các vựa sản xuất lương thực của thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.