Khuynh hướng tác động tình hình Biển Đông

Văn Khoa
Văn Khoa
05/01/2019 08:14 GMT+7

Các chuyên gia nhận định có hai khuynh hướng mang tính đối nghịch sẽ tác động tới tình hình Biển Đông trong năm 2019.

Trả lời Thanh Niên mới đây, Giáo sư Carlyle A.Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) cho rằng trong năm 2019, tình hình Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi hai khuynh hướng có tính cạnh tranh nhau. Khuynh hướng thứ nhất sẽ chứng kiến tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Ông dự đoán: “Trung Quốc sẽ tận dụng cuộc đàm phán với các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy phát triển chung ở Biển Đông với VN và Malaysia sau khi đạt thỏa thuận với Brunei và Philippines”.
Cũng trả lời Thanh Niên, tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), dự đoán đàm phán về COC sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2019, nhưng một số bên vẫn thực hiện những điều họ làm lâu nay như quân sự hóa hoặc phô diễn sức mạnh quân sự. “Không nhiều khả năng sẽ có một thỏa thuận có thể buộc bất kỳ bên nào kiềm chế hoạt động như thế trong lúc đàm phán về COC diễn ra. Tuy nhiên, những nước lớn như Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ kiềm chế để tránh đẩy căng thẳng vượt tầm kiểm soát”, ông Koh nhận định.
Hồi tháng 11.2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố Bắc Kinh muốn hoàn tất đàm phán về COC trong vòng 3 năm. Ông Thayer nhận định đưa ra thời hạn này cho thấy Trung Quốc không vội vã hoàn tất đàm phán về COC. “Nhiều nhà ngoại giao khu vực nói rằng Trung Quốc vừa đẩy quy mô và mức độ của cuộc đàm phán về COC vào sân của ASEAN”, ông Thayer cho hay. Tương tự, chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), đánh giá việc đưa ra thời hạn 3 năm là cách Trung Quốc trì hoãn để có thể tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông. Ông cho rằng nếu trong 3 năm mà cảm thấy chưa kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ đưa ra thời hạn 3 năm khác, theo báo The Rappler.
Khuynh hướng thứ hai là sự gia tăng hiện diện quân sự và hoạt động tuần tra duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông do các quốc gia bên ngoài tiến hành như Anh, Canada, Pháp và Úc, theo Giáo sư Thayer. Gần đây, Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randy Schriver kêu gọi những quốc gia đồng minh này tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông nhằm gửi tín hiệu tới Trung Quốc rằng hành vi của Bắc Kinh là không thể chấp nhận. Hồi tháng 9.2018, trong lúc áp sát một thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo thành đảo nhân tạo phi pháp, nếu không đổi hướng, tàu khu trục Mỹ USS Decatur có thể bị tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc đâm. Ông Thayer dẫn một số nguồn tin từ Trung Quốc cho Thanh Niên hay trong cuộc đối đầu đó, tàu Mỹ đã phát tín hiệu tác chiến điện tử để cảnh báo chiến hạm Trung Quốc.
Ông Thayer nhận định Mỹ có thể sẽ tiếp tục dùng chiến thuật này và căng thẳng có leo thang hay không tùy thuộc vào cách phản ứng của Trung Quốc. Chuyên gia này cũng dự đoán Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động duy trì tự do hàng hải và cho oanh tạc cơ B-52 cũng như B-1B tuần tra ở Biển Đông. Tương tự, trả lời Thanh Niên, Giáo sư Leszek Buszynski (Đại học Quốc gia Úc) cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông nên sẽ có nguy cơ đụng độ với Trung Quốc.
Ngoài ra, Giáo sư Thayer đánh giá Trung Quốc đã quân sự hóa những đảo nhân đạo phi pháp ở Biển Đông đến mức có thể tạo tác động tới các nước trong khu vực và gây ra mối đe dọa đối với quân đội Mỹ khi khủng hoảng xảy ra. Từ đó, ông cho rằng nếu tình hình an ninh ở Biển Đông không quá nghiêm trọng, Trung Quốc có thể sẽ không triển khai hệ thống vũ khí mới như tên lửa xuống Trường Sa. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện các khả năng liên lạc, tình báo, giám sát và do thám ở Biển Đông.
Trong năm 2019, Thái Lan giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN. Trả lời Thanh Niên, Giáo sư Thayer cho hay trong quá khứ, Thái Lan đã dùng vai trò điều phối quan hệ ASEAN -Trung Quốc để thúc đẩy các cuộc thảo luận về Biển Đông. “Với tư cách là chủ tịch ASEAN, có thể kỳ vọng Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự đồng thuận trong khối về các cuộc đàm phán COC với Trung Quốc”, ông Thayer nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.