Kịch bản Mỹ tấn công Triều Tiên: Bình Nhưỡng phản đòn

23/06/2016 06:16 GMT+7

Nếu bị Mỹ tấn công, Triều Tiên được cho là sẽ dùng lực lượng mạnh nhất để đáp trả ngay lập tức.

Sau khi đưa ra kịch bản Mỹ tấn công hạ tầng cơ sở hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên, công ty phân tích chiến lược hàng đầu thế giới Stratfor tiếp tục bàn về cách thức Bình Nhưỡng đáp trả. Trong bài phân tích của mình, Stratfor khẳng định Triều Tiên không đủ khả năng ngăn chặn Mỹ tấn công, nhưng có nhiều vũ khí để trả đũa.
Hai kịch bản phản công
Để đáp trả Mỹ, Triều Tiên trước mắt sẽ tấn công Hàn Quốc. Bình Nhưỡng có hai lựa chọn: tấn công lực lượng quân sự đối phương hoặc tấn công mục tiêu dân sự. Trong cuộc tấn công lực lượng quân sự, Triều Tiên sẽ nhắm vào những cơ sở quân sự của Hàn Quốc và Mỹ ở gần khu phi quân sự liên Triều và phía bắc Seoul.
Còn cuộc tấn công vào mục tiêu dân sự sẽ tạo cú sốc khủng khiếp cho Hàn Quốc bằng cách gây ra thương vong lớn cho dân thường và thiệt hại nặng cho cơ sở hạ tầng kinh tế trọng yếu. Nếu Triều Tiên chọn cuộc tấn công thứ hai, Bình Nhưỡng sẽ thiếu tập trung vào các mục tiêu quân sự Hàn - Mỹ nên hệ thống pháo của họ dễ bị phá hủy. Để giảm nhẹ nguy cơ này, Triều Tiên có thể tiến hành cùng lúc hai kiểu phản công như trên, nhưng hiệu quả sẽ bị giảm.
Sau khi hứng cuộc tấn công từ Mỹ, theo Stratfor, phương thức đáp trả ngay lập tức và được dự đoán nhiều nhất của Triều Tiên là khai hỏa đạn pháo. Đây là vũ khí uy lực của quân đội Triều Tiên, dù không thể san bằng Seoul như đồn đoán nhưng có thể gây thiệt hại đáng kể. Phần lớn các hệ thống pháo đã được bố trí dọc hoặc gần biên giới giáp với Hàn Quốc nên không cần nhiều thời gian chuẩn bị so với tên lửa đạn đạo hay những vũ khí được triển khai từ trên không và trên biển. Nếu Bình Nhưỡng khai hỏa những hệ thống rốc két đa nòng 122 mm vừa được nâng cấp hoặc bệ phóng mạnh hơn như loại 300 mm, phần phía bắc của Seoul sẽ bị chìm trong khói lửa.
Thậm chí, những khu vực phía nam của sông Hán vẫn có thể nằm trong tầm bắn của pháo tự hành 170 mm, bệ phóng rốc két đa nòng 240 mm hoặc 300 mm, tùy nơi chúng được đặt ở phía bắc của khu phi quân sự liên Triều. Nếu mỗi bệ phóng 300 mm được hướng trực tiếp tới Seoul, tầm bắn của nó đủ để phóng đạn như mưa khắp Seoul. Một loạt pháo có thể dội trên 350 tấn chất nổ xuống thủ đô của Hàn Quốc, tương đương lượng bom do 11 chiếc B-52 thả xuống.
Mối đe dọa lớn nhất
Ngoài hệ thống pháo, Triều Tiên có thể dùng kho tên lửa đạn đạo để đáp trả cuộc tấn công từ Mỹ. Triều Tiên hiện có hơn 1.000 tên lửa đạn đạo có thể tấn công mọi khu vực ở Hàn Quốc và cả những căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản. Kho tên lửa này dễ dàng phát tán 1.000 tấn chất nổ với sức công phá lớn. Mối đe dọa lớn nhất từ kho tên lửa đạn đạo Triều Tiên chính là tiềm năng cho cuộc tấn công hạt nhân.
Triều Tiên được cho là tùy ý sử dụng ít nhất từ 2 - 5 đầu đạn hạt nhân trong bất kỳ lúc nào, trong đó có vài đầu đạn được gắn cho tên lửa Nodong (tầm bắn tối đa 1.300 km, đủ sức đặt toàn bộ Hàn Quốc và phần lớn lãnh thổ Nhật Bản trong tầm ngắm). Chỉ cần một vụ tấn công hạt nhân nhằm vào đô thị đông dân của Hàn Quốc cũng sẽ gây ra thiệt hại và thương vong lớn.
Triều Tiên còn có những vũ khí lợi hại khác: vũ khí hóa học, chiến đấu cơ, hạm đội, lực lượng biệt kích và khả năng tấn công mạng. Stratfor ước tính Triều Tiên hiện sở hữu từ 2.500 - 5.000 tấn chất độc hóa học, nhưng chỉ một lượng nhỏ trong số đó có thể được dùng cho việc phản công.
Cụ thể là Triều Tiên được cho là chỉ có khoảng 150 đầu đạn sẵn sàng cho việc phát tán vũ khí hóa học, nhưng vẫn có thể gây ra tác động lớn. Bình Nhưỡng cũng có thể triển khai 800 chiến đấu cơ lạc hậu và máy bay không người lái để phản công dù chúng không thể vượt qua được hệ thống phòng không tiên tiến của Hàn Quốc. Như lực lượng không quân, hải quân Triều Tiên cũng có thể tạo ra mối đe dọa có giới hạn.
Các tàu chiến mặt nước có khả năng tấn công các mục tiêu hải quân của Mỹ và Hàn Quốc rồi bỏ chạy, nhưng sau đó sẽ dễ bị không kích hoặc phản công từ tàu chiến đối phương. Không giống tàu chiến mặt nước, tàu ngầm Triều Tiên, với số lượng đông đảo hàng đầu thế giới, từ 78 - 84 chiếc, có thể gây ra mối nguy đáng kể cho thương mại hàng hải xung quanh bán đảo Triều Tiên. Đội tàu ngầm Triều Tiên cũng có thể khiến các đơn vị tác chiến chống tàu ngầm của Mỹ và các nước đồng minh đau đầu vì phải mất thời gian đáng kể để săn chúng.
Trong khi đó, lực lượng biệt kích và phá hoại được Stratfor đánh giá là một trong những vũ khí đáng tin cậy nhất của Triều Tiên trong một cuộc chiến với Hàn Quốc và Mỹ. Với khả năng xâm nhập Hàn Quốc thông qua các đường hầm, tàu lặn, máy bay, các đơn vị biệt kích Triều Tiên có thể tàn phá miền Nam bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng trọng yếu, các điểm hậu cần và cơ sở chỉ huy - kiểm soát. Để gia tăng hiệu quả của cuộc tấn công, Triều Tiên có thể đáp trả bằng cách tấn công mạng nhằm vào Hàn Quốc hoặc Mỹ, làm tê liệt các cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống liên lạc, tài chính hoặc mạng lưới điện.
Từ phân tích của mình, Stratfor kết luận rằng bất kỳ cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào hạ tầng cơ sở hạt nhân Triều Tiên cũng sẽ phải trả giá đắt. Ngay cả Bình Nhưỡng cũng gặp nguy cơ khi phản công: nếu đáp trả càng mạnh, đặc biệt khi dùng lực lượng pháo binh, thì càng tự đưa mình vào thế nguy hiểm.
Stratfor khẳng định khoảng thời gian tốt nhất để vô hiệu hóa chương trình hạt nhân trước khi Triều Tiên hoàn thiện nó là lúc này. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng sẽ không cho Washington cái cớ để làm điều đó vì đang cần phải phát triển khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy. Do đó, giải pháp ngoại giao hiện được ưu tiên hơn so với can thiệp quân sự trực tiếp, theo Stratfor.
Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo
Reuters ngày 22.6 dẫn thông tin từ Hàn Quốc cho biết CHDCND Triều Tiên hôm qua đã phóng hai tên lửa đạn đạo được cho là tên lửa tầm trung Musudan (có tầm bắn theo lý thuyết là hơn 3.000 km). Hiện chưa rõ các vụ thử thành công hay thất bại. Tuy nhiên, theo Yonhap dẫn nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc, tên lửa đầu tiên, được khai hỏa vào khoảng 6 giờ (giờ địa phương), đã phát nổ trên không sau khi bay khoảng 150 km. Tên lửa thứ hai, bắn sau đó khoảng 2 tiếng, đã bay được 400 km trước khi rơi xuống vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani, vụ thử thứ hai cho thấy Triều Tiên đã đạt được tiến bộ do tên lửa đạt độ cao đến 1.000 km. Một số chuyên gia nhận định rằng Bình Nhưỡng đã tính toán để tên lửa rơi ở khoảng cách 400 km để tránh bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Mỹ, Nhật đã lập tức phản đối hành động vi phạm các nghị quyết của LHQ, còn Hàn Quốc tuyên bố sẽ siết chặt hơn nữa các lệnh cấm vận nhằm vào Bình Nhưỡng.
H.G

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.