Theo Bloomberg, bốn trong số tám nền kinh tế có mặt trong chỉ số dễ bị tổn thương mà ngân hàng Thái Lan The Bank of Ayudhya đưa ra hôm 20.7 là ở Đông Nam Á.
Indonesia đứng vị trí gần cuối là 16 trong danh sách này, tức có nền kinh tế ít khỏe mạnh hơn về mặt tài chính. Trong khi đó, nền kinh tế Đài Loan và Thái Lan giữ hai vị trí đầu. Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và Venezuela là ba nước làm tròn top cuối của danh sách chỉ số.
Chỉ số của The Bank of Ayudhya gồm 24 thị trường mới nổi, được xếp hạng dựa theo bốn chỉ báo: số dư tài khoản vãng lai, dự trữ ngoại hối, nợ nước ngoài và lạm phát.
Việc Thái Lan chuyển sang chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra cách đây 20 năm, và gia tăng thương mại với thế giới giúp nước này có vị thế tài chính mạnh hơn. Thái Lan có thặng dư tài khoản vãng lai khá lớn gần như mỗi năm kể từ thời khủng hoảng tài chính, giúp nước này tăng dự trữ ngoại hối.
Nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực cũng bắt đầu tăng lãi suất trong năm nay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách. Trong số này có các nước Malaysia, Philippines và Ấn Độ.
Các nhà hoạch định chính sách Thái Lan cũng có thể theo chân ba nước trên vào cuối năm nay bằng cách tăng lãi suất lên 25 điểm cơ bản trong quý 4/2018, The Bank of Ayudhya cho hay. Việc điều chỉnh lãi suất là phản ứng chính sách phù hợp nhất so với các biện pháp khác như kiểm soát vốn hay các biện pháp bảo đảm an toàn kinh tế vĩ mô, báo cáo của ngân hàng Thái Lan cho hay.
“Việc bắt đầu sớm quá trình bình thường hóa chính sách sẽ báo hiệu niềm tin của Ngân hàng Trung ương Thái Lan vào triển vọng kinh tế và lạm phát của nước này”, trong lúc cũng kiềm chế dòng vốn thoái và bình ổn hóa đồng baht.
Bình luận (0)