London mất dần vị trí trung tâm tài chính hấp dẫn nhất thế giới vì Brexit

14/09/2018 21:20 GMT+7

Quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh đã khiến không ít ngân hàng chuyển việc làm ra khỏi London.

Brexit đang đặt ra thách thức lớn nhất cho ngành tài chính của London kể từ sau cuộc khủng hoảng 2007 – 2009. Nguyên nhân là do bước đi này của Anh có thể khiến các ngân hàng và các công ty bảo hiểm mất quyền truy cập vào EU, khối giao dịch lớn nhất thế giới.
New York xếp vị trí đầu tiên, tiếp sau đó là London, Hồng Kông và Singapore, CNBC dẫn kết quả khảo sát chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu Z/Yen, chỉ số xếp hạng 100 trung tâm tài chính về những yếu tố như cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận nhân viên chất lượng.
Xếp hạng của London đã giảm 8 điểm so với 6 tháng trước, mức giảm điểm lớn nhất trong số những ứng cử viên hàng đầu. Theo các tác giả cuộc khảo sát, điều này phản ánh tình trạng không chắc chắn về khả năng giao dịch tài chính của London xung quanh việc Anh sẽ chính thức rời khỏi EU vào ngày 29.3.2019.
“Ngày quy trình Brexit hoàn thành đang ngày càng gần hơn và chúng tôi vẫn không biết liệu London còn có thể giao dịch với tất cả các trung tâm tài chính châu Âu khác hay không. Nỗi sợ mất khả năng kinh doanh với các trung tâm tài chính khác đang dẫn đến sự suy giảm nhẹ và mọi người cũng lo ngại về khả năng cạnh tranh của London”, Mark Yeandle, đồng sáng lập Z/Yen nói với Reuters.
Kể từ khi Anh bỏ phiếu rời khỏi EU hồi năm 2016, một số hãng tài chính mạnh nhất thế giới ở London đã bắt đầu chuyển nhân viên sang các nước khác để bảo đảm dòng giao dịch xuyên biên giới sẽ tồn tại sau năm 2019.

 
Các công ty dịch vụ tài chính, vốn chiếm khoảng 12% sản lượng nền kinh tế Anh và phải đóng thuế nhiều hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào khác, nhiều khả năng sẽ mất một lượng tiền không nhỏ vì Brexit. Dự kiến sẽ có khoảng 5.000 việc làm được chuyển ra khỏi London hoặc được tạo ra ở EU vào tháng ba năm sau, theo một nghiên cứu của Reuters.
Người đứng đầu London hồi tháng 7.2018 dự đoán rằng thành phố sẽ mất từ 3.500 đến 12.000 việc làm tài chính vì Brexit trong ngắn hạn, không loại trừ trường hợp con số này sẽ tiếp tục tăng nhiều hơn nữa.
Hầu hết các ngân hàng lớn của Mỹ, Anh và Nhật đều nói họ sẽ mở công ty con hoạt động tại Frankfurt, Paris hoặc Dublin. Các trung tâm châu Âu khác đã tăng hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu. Cụ thể, Zurich tăng từ vị trí thứ 16 cách đây sáu tháng trước lên vị trí thứ 9, Frankfurt tăng từ vị trí 20 lên xếp thứ 10, còn Amsterdam leo lên vị trí 35 từ thứ hạng 50.
Tuy nhiên, nhiều giám đốc điều hành ở London cảnh báo rằng mối đe dọa lớn nhất đối với thành phố không đến từ những trung tâm tài chính châu Âu khác, mà là từ đối thủ cạnh tranh toàn cầu như New York và Hồng Kông.
“London và New York từ lâu đã tranh nhau vị trí dẫn đầu trong chỉ số nêu trên và sự không chắc chắn về tương lai của Brexit có thể là yếu tố gây thay đổi thứ hạng mới nhất của hai thành phố”, Miles Celic, giám đốc điều hành nhóm vận động hành lang TheCityUK, nói.
Dù vậy, Alex Brazier, giám đốc điều hành Ngân hàng Anh, vẫn lạc quan vào sự ổn định tài chính của đất nước khi nói rằng: “Bất kể những gì xảy ra với Brexit, Anh sẽ vẫn là trung tâm tài chính toàn cầu. Có thể sẽ có một số công việc bị chuyển đi, nhưng tôi không mong đợi bức tranh lớn thay đổi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.