Giữa lúc tình hình Hồng Kông đang diễn biến phức tạp, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin PAP cùng xe bọc thép đã xuất hiện tại Thâm Quyến - thành phố ngay bên cạnh Hồng Kông. Các xe bọc thép đã được tháo hệ thống súng chủ lực và truyền thông đại lục cho rằng sự hiện diện trên chỉ nằm trong chương trình huấn luyện bình thường. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn rất quan tâm bởi vai trò của vũ cảnh.
“Cánh tay” của Quân ủy Trung ương
Mang danh nghĩa cảnh sát vũ trang, nhưng PAP không trực thuộc Bộ Công an Trung Quốc mà có cơ cấu hoàn toàn tách biệt với tư lệnh là thượng tướng Vương Ninh. Trước khi trở thành Tư lệnh Tổng bộ vũ cảnh, tướng Vương Ninh từng giữ vị trí Phó tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của vũ cảnh, vốn được so sánh như Vệ binh Quốc gia của Mỹ.
Được thành lập năm 1982, vũ cảnh nhanh chóng thể hiện vị trí trong chiến lược an ninh nội địa của Trung Quốc. Theo nhiều tài liệu, lực lượng này đóng vai trò không nhỏ trong sự kiện Thiên An Môn hồi năm 1989. Dưới thời kỳ lãnh đạo của Chủ tịch Giang Trạch Dân, vũ cảnh phát triển mạnh mẽ, tiếp nhận nhiều chuyển giao từ quân đội. Ông Giang từng nhấn mạnh vũ cảnh là “lực lượng nòng cốt để duy trì an ninh quốc gia và ổn định xã hội”. Từng được điều động xử lý các vấn đề liên quan đến Tân Cương và Tây Tạng, lực lượng này chuyên trách xử lý các trường hợp bạo loạn, bất ổn, băng đảng tội phạm lớn lao, và các cuộc tấn công của khủng bố… Chính vai trò này đã cho phép PAP có khu vực hoạt động cực rộng, từ trên bộ đến trên biển, các cơ sở khai thác khoáng sản, chống bạo động...
Theo chương trình tái cấu trúc có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, vũ cảnh trực thuộc duy nhất vào Quân ủy Trung ương Trung Quốc - cơ quan có người lãnh đạo chính là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, mà hiện nay là ông Tập Cận Bình. Cũng theo cấu trúc từ ngày 1.1.2018, được đặt dưới vũ cảnh còn có cảnh sát biển (hải cảnh - CCG). Vừa qua, CCG là lực lượng đã điều động tàu vũ trang hỗ trợ tàu Hải dương Địa chất 8 xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN.
Trang bị “hàng khủng”
Đến nay, Bắc Kinh chưa công bố chính thức về quân số của PAP. Tuy nhiên, theo tài liệu nghiên cứu do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng 4.2019, lực lượng này có khoảng 1 triệu quân và được trang bị vũ khí khá phong phú. Về vũ khí cá nhân, PAP sử dụng tiểu liên QCW-05 vốn khá phổ biến của bộ binh Trung Quốc. Kèm theo đó, PAP còn sử dụng vũ khí chống tăng, máy bay không người lái… Đặc biệt, khí tài của lực lượng này để tác chiến trên bộ còn có xe bọc thép, trực thăng vũ trang Z-11 được trang bị súng máy và có thể mang theo bom, tên lửa đối đất, đối không...
Không những vậy, như đã nói, vì phụ trách cả CCG nên PAP còn sở hữu số khí tài hùng hậu trên biển của CCG với không dưới 500 tàu. Trong đó có không dưới 80 tàu trên 1.000 tấn và nhiều tàu được trang bị pháo 70 mm trở lên. Hỗ trợ theo đó còn có trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-9 với khả năng mang theo pháo 23 mm, vũ khí chống tàu ngầm, phóng ngư lôi tầm bắn 6 km để tấn công tàu chiến, tên lửa đối không tầm ngắn, tên lửa tấn công tàu chiến.
Cũng theo nghiên cứu của Lầu Năm Góc, chưa đầy 10 năm, tính từ năm 2010 - 2018, ngân sách dành cho PAP tăng hơn gấp đôi từ mức 66,3 tỉ nhân dân tệ (khoảng 9,5 tỉ USD)/năm lên 141,4 tỉ nhân dân tệ/năm, càng nhấn mạnh vai trò của lực lượng này đối với Trung Quốc.
Sân bay Hồng Kông tiếp tục tê liệt
Ngày 13.8, người biểu tình tiếp tục quay lại chiếm giữ nhà ga sân bay quốc tế Hồng Kông. Theo tờ South China Morning Post (SCMP), hàng trăm người ngồi tại khu vực làm thủ tục và sau đó tiến đến cửa nhà ga đi, trong khi ít nhất 1.000 người ngồi tại sảnh đến. Hoạt động tại sân bay được khôi phục trở lại vào sáng sớm nhưng đến chiều, giới chức thông báo ngừng mọi hoạt động làm thủ tục, đồng thời khuyến cáo toàn bộ hành khách “rời khỏi nhà ga càng sớm càng tốt”. Đến tối qua đã xảy ra đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình tại sân bay, theo Reuters. Phe phản đối còn chặn đường nhiều xe cảnh sát tiến vào sân bay trong khi lực lượng an ninh dùng hơi cay để đẩy lùi đám đông.
Cùng ngày, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga cảnh báo bạo lực “có thể đẩy Hồng Kông vào con đường không thể quay đầu”. “Hãy gác lại bất đồng, cùng dành ra một phút để nhìn lại thành phố, quê nhà của chúng ta. Liệu mọi người thật sự muốn nơi này bị đẩy xuống vực thẳm?”, SCMP dẫn lời bà Lâm phát biểu. Nữ lãnh đạo tiếp tục gạt bỏ những câu hỏi về việc từ chức, đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp xúc nhiều hơn với người dân “để lắng nghe bất bình và giúp Hồng Kông phát triển”.
Vi Trân
|
Bình luận (0)