Lạc bước ở Bonn

22/01/2020 07:44 GMT+7

Ấn bản sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet đã chọn thành phố Bonn của Đức là một trong 10 điểm cần đến trong năm 2020, và rõ ràng có lý do để làm như thế.

Bonn có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với những con người đến từ khắp nơi trên thế giới. Dù dân số vỏn vẹn hơn 300.000 người, thành phố của Đức quanh năm luôn đón những đoàn khách quốc tế lui tới tấp nập.
Điều này không quá bất ngờ vì Bonn là nơi đóng trụ sở của 17 cơ quan thuộc LHQ, và được xem là trung tâm hội nghị quốc tế của thế giới. Bên cạnh những con người thong thả dạo bước trên đường, trông bộ dạng chắc hẳn là dân địa phương, lúc nào cũng có thể bắt gặp hình ảnh vội vã của khách phương xa đến.

Một góc phố yên ả của Bonn

Thụy Miên

Tiến sĩ Gabriel El-Lakkis, biên tập viên trang FOIRALLE, đã nhận xét một cách hóm hỉnh: “Chúng tôi là công dân của toàn cầu”.
Đối với những nhà báo lần đầu tiên đến Bonn tham dự Diễn đàn Truyền thông Thế giới 2019 theo lời mời của hãng truyền thông Deutsche Welle, họ thật sự ngạc nhiên khi phát hiện đây là thành phố đã nhiều ngàn năm tuổi và là một trong những đô thị cổ nhất nước Đức.
Được sáng lập vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, Bonn chậm rãi tạo nên chỗ đứng vững chắc trong dòng lịch sử của Đức. Từ năm 1949-1990, nơi đây đặt thủ đô của CHLB Đức hay Tây Đức.
Bonn cũng là nơi nhà soạn nhạc lừng danh Ludwig van Beethoven chào đời vào năm 1770, rồi ghi danh mình vào lịch sử âm nhạc thế giới. Hình ảnh của Beethoven tràn ngập mọi ngóc ngách của thành phố, từ quảng trường đến các góc phố, nơi nhà hàng đến các cửa hàng bày bán đồ lưu niệm.

Diễn đàn truyền thông toàn cầu (GMF) 2019 được tổ chức tại Bonn hồi tháng 5.2019

Thụy Miên

Đúng dịp chúng tôi đến đây, thành phố bắt đầu bận rộn chuẩn bị cho dịp vô cùng trọng đại: 250 năm ngày sinh của Beethoven (17.12.1770-17.12.2020). Chính quyền thành phố đã quyết định sẽ dành trọn 365 ngày để tưởng nhớ nhà soạn nhạc thiên tài, kéo dài từ ngày 17.12.2019 đến 17.12.2020.
Không khí lễ hội đã bắt đầu tràn ngập khắp chốn, chẳng hạn như quang cảnh trước bưu điện trung tâm thành phố. Từ năm 1845 đến nay, tại đây vốn chỉ có vỏn vẹn bức tượng Beethoven bằng đồng nổi tiếng ở quảng trường Münster, hiện có cả trăm phiên bản Beethoven với nhiều kích cỡ khác nhau trong hai màu vàng, xanh.
Cả dân địa phương lẫn du khách đều thích đi vào giữa “rừng” tượng để chụp những bức ảnh ưng ý nhất, nhưng ai nấy đều cẩn thận bước chân để tránh chạm đến hàng dài của Beethoven đang được trưng bày.
Rừng tượng ở quảng trường Münster cũng là một trong những địa điểm nằm trên tuyến đường Bonn Beethoven, nhằm tái tạo con đường mà chàng trai Beethoven từng đi qua mỗi ngày cách đây hơn 200 năm.

Một góc quảng trường và nhà hát

Thụy Miên

Đối với ai đến Bonn trong khoảng thời gian này, họ sẽ trở thành những người may mắn có thể theo bước chân của nhà soạn nhạc thời trẻ: từ nhà đến nơi làm việc, cuộc dạo chơi dọc theo dòng sông Rhine trước khi đến nhà của các học sinh mà ông nhận dạy đàn dương cầm.
Đôi khi, Beethoven cũng rẽ vào một quán rượu, nhấm nháp tí hơi cay, hoặc leo núi Siebengebirge cùng với cha mình.
Khi đôi chân đã rã rời sau nhiều giờ lang thang trên những con đường lát đá tuyệt đẹp và ngồi nhấm nháp cà phê ở trung tâm thành phố, bạn lại thảnh thơi ngắm nhìn những tòa nhà có kiến trúc cổ kính, và dõi theo những chàng trai, cô gái mang theo đủ loại nhạc cụ sải bước đến nhà hát ở góc đường.
Họ đang vội vã đến nơi cho buổi diễn tập quan trọng, có lẽ là một chương trình nào đó liên quan đến Beethoven.
Đột nhiên ở góc cầu thang của nhà hát lại xuất hiện một số diễn viên trong trang phục thế kỷ 18. Không cần micro hay sân khấu, chẳng cần màn trướng phụ trợ, họ say sưa diễn xuất trong sự vây xem ngày càng đông đúc hơn của người qua đường.
Khoảnh khắc đó tạo nên khung cảnh khó quên của Bonn vào một buổi chiều nắng chưa tắt, khiến con người dễ lạc lối.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.