Lãnh đạo Hồng Kông kích hoạt quyền lực khẩn cấp để ngăn bạo lực

Văn Khoa
Văn Khoa
04/10/2019 15:19 GMT+7

Lần đầu tiên sau hơn 50 năm, Đặc Khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga hôm 4.10 kích hoạt quyền lực khẩn cấp trong một động thái quyết liệt nhằm kết thúc tình trạng bạo lực leo thang ở đặc khu.

Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Lâm cho hay một lệnh cấm đeo khẩu trang tại những nơi tụ tập đông người theo Điều lệ quy định tình huống khẩn cấp (ERO) sẽ có hiệu lực vào khuya nay 4.10, theo tờ South China Morning Post. Một số nguồn tin cho hay những người vi phạm lệnh cấm có thể bị bắt giam một năm hoặc bị phạt 25.000 HKD (gần 74 triệu đồng).

[VIDEO] Lãnh đạo Hồng Kông ban hành luật cấm đeo khẩu trang

Trước đó, một số nghị sĩ và cảnh sát kêu gọi chính quyền áp dụng luật khẩn cấp nói trên, được Anh sử dụng lần cuối cùng cách đây 52 năm. Luật này cho phép lãnh đạo Hồng Kông tạo ra “bất kỳ quy định” trong trường hợp khẩn cấp hoặc dân chúng nổi giận mà không cần phải có sự thông qua của hội đồng lập pháp.
Trong các vụ bạo động ở Hồng Kông vào năm 1967, khi có hơn 50 người thiệt mạng, Anh đã dùng EOR nhằm trao thêm quyền cho cảnh sát bắt người.

Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga phát biểu tại cuộc họp báo ngày 4.10

Reuters

Bà Lâm cho hay lệnh cấm đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn bạo lực và khôi phục trật tự, nhưng sẽ miễn trừ đối với những người thật sự có nhu cầu đeo khẩu trang.
Hiện không rõ lệnh cấm mới sẽ được thực thi như thế nào ở Hồng Kông, nơi khoảng 7,4 triệu người đeo khẩu trang mỗi ngày để tự bảo vệ mình theo sau dịch SARS hồi năm 2003, theo Reuters.

[VIDEO] Cảnh sát Hồng Kông phải nổ súng vì "nguy hiểm tính mạng"

Trong khi đó, nhiều người biểu tình cho hay họ sẵn sàng chống lại lệnh cấm đeo khẩu trang dù có phải ngồi tù. Trước đó cùng ngày, hàng ngàn người đeo khẩu trang tuần hành ở Hồng Kông khi có tin chính quyền đặc khu sẵn sàng dùng quyền lực khẩn cấp để áp đặt lệnh cấm đeo khẩu trang nhằm kết thúc các cuộc biểu tình bạo lực trong gần 4 tháng qua, theo AFP.
Nhiều người biểu tình đã đe đẩu trang để tránh bị nhận dạng, cùng nón bảo hiểm màu vàng và mặt nạ phòng hơi độc để tránh hơi cay do cảnh sát xịt trong cuộc biểu tình.
Hôm 1.10, bạo động đã xảy ra tại ít nhất 13 khu vực ở Hồng Kông, khiến 47 trạm tàu điện ngừng hoạt động, hơn 25 trung tâm thương mại đóng cửa và 180 người bị bắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.