Lầu Năm Góc thừa nhận ‘nói nhầm’ về chủ quyền quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư

27/02/2021 12:04 GMT+7

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby xin lỗi vì “sai sót” trong phát biểu gần đây của ông là ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông.

“Không có bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách của Mỹ liên quan đến chủ quyền của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”, ông Kirby nói, được cho là ám chỉ quan điểm trung lập của Washington đối với việc ai có chủ quyền đối với các đảo nhỏ không có người ở trên Biển Hoa Đông, theo hãng tin Kyodo.
"Tôi rất hối hận vì sai sót trong tuyên bố của mình trước đó", ông Kirby nói, đồng thời gửi lời xin lỗi nếu đã gây ra hiểu lầm.
Cụ thể, trong buổi họp báo hôm 23.2, ông Kirby nói: "Chúng tôi tán thành với cộng đồng quốc tế về quần đảo Senkaku và chủ quyền đối với Senkaku. Chúng tôi ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản ở đó và chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tránh những hành động có thể dẫn đến tính toán sai lầm, cụ thể là triển khai tàu hải cảnh”.
Ông Kirby còn nói Trung Quốc đã “xem thường các quy tắc quốc tế” và Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh để giải quyết những thách thức như thế này.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 24.2 tái khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo nhỏ không có người ở tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, theo AP. "Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, không được phép gây tổn hại đến lợi ích bên thứ ba hoặc đe dọa hòa bình và gây ổn định khu vực", ông này nói thêm.

Nhật Bản cho phép lực lượng tuần duyên bắn tàu nước ngoài tiếp cận đảo tranh chấp?

Cuộc khẩu chiến xảy ra sau khi sau khi 2 tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 20 và 21.2.
Chính phủ Mỹ và Nhật Bản cũng đã bày tỏ mối quan ngại trước luật mới của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1.2, cho phép hải cảnh Trung Quốc sử dụng “tất cả biện pháp cần thiết” để chống lại tàu nước ngoài. Đáng lo ngại nhất là hải cảnh Trung Quốc được trao quyền xua đuổi tàu thuyền các nước khác, thậm chí sử dụng vũ khí nhằm vào tàu các nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh tự ý tuyên bố chủ quyền.
Trong buổi họp báo ngày 26.2, ông Kirby tái khẳng định chính phủ Tổng thống Joe Biden giữ vững cam kết bảo vệ Nhật Bản theo Điều 5 của hiệp ước an ninh, trong đó bao gồm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cụ thể, hiệp ước an ninh năm 1960 đảm bảo Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật Bản trong trường hợp có một cuộc tấn công từ bên ngoài nhằm vào các lực lượng hoặc lãnh thổ Nhật Bản.
“Mỹ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào tìm cách thay đổi hiện trạng”, ông Kirby nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.