Lo ngại rủi ro đụng độ quân sự ở Biển Đông

19/07/2020 09:00 GMT+7

Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đang tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông dẫn đến việc giới phân tích lo ngại về rủi ro đụng độ quân sự có thể xảy đến ở vùng biển này.

Trung Quốc đưa chiến đấu cơ đến Hoàng Sa

Hôm qua (18.7), Benarnews trích dẫn một số hình ảnh từ Planet Labs Inc., nhà cung cấp hình ảnh vệ tinh (Mỹ), chụp lại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, cho thấy có 8 chiến đấu cơ hiện diện tại đây. Theo đó, hình ảnh trên được chụp vào ngày 7.7 và trong số 8 máy bay thì có 4 chiếc là dòng tiêm kích J-11B.

Tác chiến điện tử đóng vai trò quan trọng

Các lực lượng tác chiến điện tử đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ chiến đấu trước khả năng có thể bị tấn công bằng các phương tiện cảm biến cả trên không lẫn trên biển hay đất liền.
Lực lượng tác chiến điện tử bao gồm nhiều đơn vị với các nhiệm vụ khác nhau. Hầu hết các đơn vị này hoạt động trên không, chuyên theo dõi các phổ điện từ tùy theo mục đích. Mà trong đó thì mục đích phổ biến nhất là xác định khí thải “thù địch”, vốn có thể xem là dấu vết của 2 nguy cơ: một là “phe địch” đang theo dõi, nhắm vào lực lượng “phe ta”; hai là hoặc “phe địch” can thiệp vào hệ thống thông tin, radar, hệ thống dữ liệu của “phe ta”. Trong đó, nguy cơ thứ hai luôn được kiểm soát chặt chẽ hơn. Để đáp trả lại, lực lượng tác chiến điện tử có thể tiến hành gây nhiễu, “chiếm sóng” liên lạc của “phe địch” để vô hiệu hóa các nỗ lực tấn công điện tử.
Mặc dù gây nhiễu được định nghĩa là hành động thù địch theo luật pháp quốc tế, nhưng theo nguyên tắc quốc tế thì bên bị tấn công gây nhiễu không thể viện lý do này để đáp trả bằng cách sử dụng súng đạn, tên lửa… để tấn công vào nguồn gây nhiễu.
 
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh điều động chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm. Từ năm 2016, các hình ảnh tương tự và thông tin từ chính truyền thông Trung Quốc cũng từng cho thấy chiến đấu cơ J-11, oanh tạc cơ JH-7 đã xuất hiện ở đảo Phú Lâm. Bên cạnh đó, hạ tầng ở đảo này cho phép Bắc Kinh triển khai nhiều loại máy bay chiến đấu. Không những vậy, tên lửa đối không HQ-9 (được xem là S-300 phiên bản Trung Quốc) và tên lửa đối hạm YJ-62 cũng đã được triển khai ở Phú Lâm.
Cũng tại Biển Đông, Bắc Kinh đã xây dựng hạ tầng gồm đường băng, nhà chứa máy bay, trạm radar... ở các đảo nhân tạo như Vành Khăn, Xubi, Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cuối tháng 4, Công ty ISI chuyên cung cấp hình ảnh vệ tinh công bố hình ảnh mới chụp ngày 10.4 ghi nhận bãi đá Chữ Thập có máy bay trinh sát hải quân KQ-200 (còn có tên là Y-8Q hoặc GX-6). KQ-200 thuộc dòng máy bay trinh sát Y-8 vốn có nhiều phiên bản, bao gồm cả loại săn tàu ngầm. Cũng theo hình ảnh của ISI khi đó, ngoài chiếc KQ-200 đỗ ở khu vực đường băng, thì còn có một chiếc tương tự bên trong nhà chứa (với phần đầu máy bay lộ ra ngoài). Từ năm 2018, AMTI phát hiện Trung Quốc triển khai YJ-12 trên các bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi.

Mỹ điều động nhiều lực lượng

Cùng ngày 18.7, báo Strars and Tripes đưa tin không quân Mỹ ngày 17.7 đã điều động thêm 2 oanh tạc cơ chiến lược B-1 Lancer từ căn cứ không quân ở Ellsworth (bang Nam Dakota) trực chỉ đến đồn trú ở đảo Guam. Theo kế hoạch, các oanh tạc cơ này sẽ có một số cuộc tập trận chung với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực. Thời gian qua, Mỹ liên tục điều động máy bay B-1 đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Trong quá trình hoạt động, máy bay B-1 thường xuyên xuất hiện và thực hiện các nhiệm vụ ở Biển Đông.

Cần duy trì hòa bình trên Biển Đông

Trong cuộc họp báo chiều 16.7, liên quan tình hình Biển Đông, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định: “Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm: Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương”.
Theo bà Hằng, Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại, cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Liên quan tình hình Biển Đông, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan vừa có cuộc tập trận chung vào ngày 17.7 ở Biển Đông, theo thông báo từ Hạm đội 7 hải quân Mỹ. Trong thông báo này, Phó đô đốc Bill Merz, Chỉ huy Hạm đội 7, khẳng định: “Không có ví dụ nào tốt hơn về cam kết của chúng tôi với khu vực, và theo định kỳ chúng tôi đưa nhiều đội ngũ đến với nhau tại Hạm đội 7 để thực hành các chiến dịch phối hợp quy mô lớn”. Như vậy, chỉ tính từ đầu tháng 7 đến nay, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay trên đã có 2 cuộc tập trận ở Biển Đông.
Đặc biệt, Nikkei Asian Review ngày 17.7 đưa tin Mỹ có kế hoạch triển khai hai đơn vị đặc nhiệm đến khu vực Indo-Pacific trong thời gian tới. Hai đơn vị này sẽ thực hiện nhiều sứ mệnh khác nhau như tác chiến điện tử và tác chiến mạng, trong đó ít nhất một đơn vị sẽ được triển khai ở Biển Đông.
Ngày 18.7, trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương hải quân Mỹ, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii (Mỹ) về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng: “Theo góc nhìn của tôi, việc Mỹ triển khai lực lượng tác chiến điện tử như thông tin được công bố thì có thể quân đội nước này hoặc một số đối tác đã gặp phải sự cố gây nhiễu, hoặc xâm nhập radar, liên lạc, mạng lưới dữ liệu. Tác chiến điện tử ngày nay cũng bao gồm các hệ thống xác định tấn công laser”.

Rủi ro cao

Cũng trả lời Thanh Niên ngày 18.7, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đặt vấn đề: “Việc triển khai quân sự ẩn chứa rủi ro gây ra xung đột. Các dấu hiệu vừa qua cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho mọi tình huống bất ngờ”.
Theo TS Nagao, Trung Quốc gần đây đã mở rộng hoạt động quân sự tại Biển Đông khi liên tục triển khai radar, máy bay chiến đấu, tàu chiến ở vùng biển này. Bắc Kinh cũng mở rộng phạm vi tấn công tên lửa vươn đến các cơ sở của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
“Để hóa giải những mối đe dọa này, đơn vị tác chiến điện tử có vai trò rất quan trọng. Bằng tác chiến điện tử, Washington có thể chặn radar và mạng lưới liên lạc vô tuyến của đối phương nhằm xác định vị trí của đối phương để phản kích, tấn công đáp trả hoặc tấn công phủ đầu. Nên việc Mỹ triển khai hai đơn vị tác chiến điện tử đến khu vực Indo-Pacific, mà trong đó có một đơn vị đến Biển Đông, là để phòng ngừa rủi ro đụng độ”, TS Nagao nhận xét.
Nhận xét về diễn biến trên khi trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng: “Việc triển khai lực lượng tác chiến điện tử đến Biển Đông cho phép Mỹ và các đối tác có thể nắm rõ hơn những diễn biến quân sự trong khu vực, từ đó tiếp nhận toàn diện hơn về hoạt động của tàu chiến nổi và tàu ngầm Trung Quốc”.
“Như thế, Bắc Kinh có thể tìm cách “thử lửa” các lực lượng mà Washington vừa điều động đến khu vực. Điều đó có thể dẫn đến rủi ro đụng độ, xung đột quân sự ở mức giới hạn. Thêm vào đó, trong bối cảnh các thực tế từ đại dịch Covid-19 và chủ nghĩa dân tộc có dấu hiệu gia tăng ở Trung Quốc, rủi ro xảy ra đụng độ càng tăng cao, nên cộng đồng quốc tế cần kỳ vọng Bắc Kinh không tính toán sai lầm, chỉ sử dụng đối thoại”, PGS Nagy bình luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.