Lực lượng tàng hình Mỹ đến châu Á

28/12/2012 03:55 GMT+7

Lầu Năm Góc bắt đầu khởi động chương trình 5 năm, lần lượt triển khai 3 dòng máy bay chiến đấu tàng hình đến tây Thái Bình Dương.

Theo tạp chí Wired, những tuyên bố liên quan đến quyết định điều động mới các máy bay F-22, F-35 và B-2 đến Thái Bình Dương liên tục được đưa ra trong mấy tuần gần đây. Hồi đầu tháng, thiếu tướng Stephen Wilson, chỉ huy phi đội gồm 20 máy bay ném bom tàng hình B-2, cho hay một số chiếc sẽ bắt đầu được luân chuyển đến Thái Bình Dương từ năm tới. Các đợt luân chuyển kéo dài trong vài tuần và diễn ra nhiều lần trong năm, theo tướng Wilson trả lời tạp chí Air Force.

Từ đầu những năm 2000, B-2 thường xuyên được điều động đến căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam, đôi khi còn được F-22 tháp tùng. Tuy nhiên, quá trình luân chuyển đến Thái Bình Dương thật sự khó khăn đối với phi đội ít ỏi của B-2. Đến năm 2008, một trong những chiếc này đã rơi tại căn cứ Andersen; 2 năm sau, thêm một chiếc B-2 khác bị cháy động cơ nghiêm trọng. Không quân Mỹ đã cố gắng khỏa lấp tin tức về sự cố này, âm thầm rút B-2 khỏi tiền tuyến Thái Bình Dương và thay chúng bằng dòng oanh tạc cơ đời cũ là B-52, theo tờ The Washington Post. Sau một thời gian sửa chữa và nâng cấp, phi đội máy bay ném bom tàng hình B-2 lại đến tây Thái Bình Dương.

 Lực lượng tàng hình Mỹ đến châu Á
F-22 và B-2 trên bầu trời đảo Guam - Ảnh: USAF

Trong khi đó, F-22, thường được đóng ở Florida, Virginia, Alaska và Hawaii, là “khách viếng thăm” thường xuyên tại căn cứ Andersen và căn cứ Kadena ở Okinawa (Nhật Bản). Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến sự cố thiếu ô xy trong buồng lái đã khiến phần lớn F-22 bị giới hạn bay trong suốt năm qua. Đến nay, không quân Mỹ tuyên bố đã tìm được cách giảm tối thiểu nguy cơ đột quỵ ở các phi công lái F-22. Và trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí quốc gia hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho hay sẽ sớm triển khai thêm F-22 đến Nhật Bản. Cũng nhân dịp này, ông Panetta tuyên bố kế hoạch lần đầu tiên điều động F-35 đến các căn cứ ở nước ngoài. Theo trang Defense.gov, Bộ Quốc phòng Mỹ đang đặt nền tảng cho việc triển khai F-35 đến Iwakuni, cũng thuộc Nhật Bản vào năm 2017.

Bên cạnh các dòng máy bay  hiện tại ở Thái Bình Dương, Lầu Năm Góc còn lên kế hoạch gửi thêm máy bay tuần tra mới của hải quân là P-8 đến khu vực, cũng như máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-46, theo tạp chí Air Force.

Việc thiết lập lực lượng tác chiến nói trên là phần mở rộng của chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Theo Wired, khi công tác triển khai được hoàn tất vào năm 2017, máy bay F-22, B-2 và F-35 sẽ phục sẵn tại các căn cứ xung quanh Trung Quốc, sẵn sàng trong tình trạng tác chiến. Cùng với việc Trung Quốc đang thử nghiệm chiến đấu cơ tàng hình nội địa J-20 và J-31 cũng như nhiều nước khác tăng cường vũ trang, các chuyên gia đang lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực.

Trung Quốc điều tàu lớn ra biển Đông

Ngày 27.12, Trung Quốc điều tàu Hải tuần 21, có sân đậu trực thăng, ra biển Đông, theo Tân Hoa xã. Đây là lần đầu tiên loại tàu này hoạt động ở biển Đông dưới sự quản lý của Cục An toàn hàng hải Hải Nam. Hải tuần 21 dài 93,2 m và có phạm vi hoạt động 7.408 km mà không cần tiếp liệu. Sân đậu trực thăng dài 21 m, rộng 11 m và nằm ở đuôi tàu. Tân Hoa xã dẫn lời ông Hoàng Hà thuộc Bộ Giao thông Trung Quốc tuyên bố nhiệm vụ của tàu Hải tuần 21 là “giám sát an toàn giao thông đường biển, điều tra các sự vụ hàng hải, phát hiện ô nhiễm, nghiên cứu, cứu hộ và thực thi luật quốc tế”. Tàu Hải tuần 21 xuất hiện ở biển Đông chỉ vài ngày trước khi quy định của chính quyền Hải Nam cho phép đơn phương khám xét, bắt bớ tàu nước ngoài trên biển Đông có hiệu lực vào ngày 1.1.2013. Quy định ngang ngược này đã gây ra quan ngại và phản ứng từ nhiều phía như Việt Nam và Philippines.

Cũng trong ngày 27.12, Bộ Quốc phòng Philippines thông báo mua 3 máy bay trực thăng hải quân AW 109 “Power” của Công ty liên doanh Anh - Ý AgustaWestland với giá 32,5 triệu USD. AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin cho biết hợp đồng này thuộc một chương trình mua sắm “khẩn cấp” nhằm “hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa hải quân cũng như các lực lượng vũ trang”.

H.G

Thụy Miên

>> Trung Quốc đổ 1,6 tỉ USD vào “TP.Tam Sa”
>> Dân Trung Quốc lo ngại về an ninh
>> Tỉnh Hải Nam cử tàu tuần tra lớn xuống biển Đông
>> Trung Quốc ngang nhiên đầu tư 1,6 tỉ USD vào biển Đông
>> Bão Ngộ Không gây gió giật cấp 11 trên biển Đông
>> Trung Quốc “làm luật” trên biển Đông  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.