Những hành động tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo không chỉ xuất phát từ hệ tư tưởng cực đoan, mà còn bởi một loại thuốc kích thích đã “thất truyền” lâu.
Số búp bê chứa chất nổ được phát hiện - Ảnh: Apple Daily |
Những viên thuốc nhỏ màu nâu xỉn mang tên Captagon đang là nguồn năng lượng cho các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng như nhiều nhóm vũ trang khác tại Syria.
Được bào chế từ amphetamine trong thập niên 1960, Captagon ban đầu được dùng để điều trị chứng tăng động, ủ rũ và trầm cảm. Đến khoảng đầu thập niên 1980, loại thuốc này bị cấm tại hầu hết các nước vì đặc tính gây nghiện nặng và khiến người dùng thường xuyên thấy ảo giác, theo CNN.
Ngay cả con nghiện tại các nước cũng không thèm đụng đến vì chê nó “dưới cơ” các loại ma túy tổng hợp khác. Vì thế, trong hơn 30 năm qua, Captagon hầu như biến mất hoàn toàn trên thế giới cho đến khi xuất hiện trở lại tại Trung Đông.
“Trúng đạn không biết đau”
Theo nhiều nguồn tin, Captagon thường xuyên được các tay súng IS sử dụng để có cảm giác hưng phấn, tỉnh táo và sẵn sàng liều mạng. “Các chỉ huy cho chúng tôi uống thuốc. Những loại thuốc ảo giác có thể khiến bạn không còn màng đến chuyện sống chết và chỉ biết cầm súng lao lên”, một thành viên IS đang bị giam giữ tại miền bắc Syria cho CNN hay.
Tương tự, một tay súng khác kể: “Chỉ cần một viên là chúng tôi không cần ăn, không cần ngủ, không biết sợ, lúc nào cũng cảm thấy mình có thể tay không bóp chết kẻ thù. Trúng đạn cũng không thấy đau. Cả thế giới nằm trong tay chúng tôi”.
Theo tờ The Washington Post, sử dụng chất kích thích là đi ngược lại giáo luật của đạo Hồi, nhưng các thủ lĩnh IS biện minh rằng các tay súng uống thuốc không phải để “phê” mà nhằm “trở thành các siêu chiến binh để đủ khả năng tiêu diệt hết mọi kẻ thù của Allah”.
Một sĩ quan tại TP.Homs kể với Reuters những gì ông chứng kiến về tác dụng của Captagon. “Khi thẩm vấn mấy tên IS, chúng tôi cũng đánh đập dữ lắm nhưng bọn chúng không biết đau. Có tên càng đánh bạo hắn càng cười to. Kinh nghiệm là để mặc bọn chúng khoảng 48 tiếng cho thuốc hết tác dụng thì mới thẩm vấn được”.
Nguồn thu khổng lồ
Bên cạnh tác dụng kích thích binh sĩ, Captagon còn là nguồn tiền lớn cho các nhóm vũ trang tại Syria với doanh thu hàng triệu USD, cao hơn cả buôn bán vũ khí và buôn người, theo The Washington Post.
Tình hình loạn lạc, bất ổn ở Trung Đông khiến nhiều người, đặc biệt là các thành phần tị nạn và nghèo khó, tìm đến ma túy. Thế là Captagon “có đất dụng võ” khi nó có thể dễ dàng được điều chế số lượng cực lớn với giá thành cực rẻ. “Sản xuất thuốc rất rẻ và đơn giản, chỉ cần chút kiến thức sơ đẳng về hóa học”, Reuters dẫn lời bác sĩ Ramzi Haddad ở Li Băng nói. Thế là IS, al-Nursa và nhiều nhóm khác, dù cùng phe hay thù địch đều đua nhau sản xuất Captagon vừa để tự sử dụng, vừa để tuồn hàng qua nhiều nước khác với số lượng mỗi lần giao dịch tính bằng tấn. Thậm chí, ma lực của những viên thuốc có giá bán lẻ chỉ từ 5 - 12 USD này đã lan tới Ả Rập Xê Út, quốc gia hùng mạnh, giàu có nhất vùng Vịnh và hầu như không gặp bất ổn gì lớn. Hồi đầu tháng 11, giới chức Li Băng đã truy tố một hoàng thân Ả Rập Xê Út và 9 người khác về tội buôn ma túy, sau khi lực lượng an ninh tại sân bay quốc tế Beirut-Rafik Hariri phát hiện 2 tấn Captagon trên máy bay riêng của ông này, theo Reuters.
Brussels vẫn ở mức báo động cao nhất
Hôm qua 22.11, thủ đô Brussels của Bỉ bước sang ngày thứ 2 trong tình trạng báo động cao nhất, theo Reuters.
Giới chức tiếp tục khuyến cáo dân chúng tránh những nơi đông người ở thủ đô, ra lệnh đóng cửa hệ thống tàu điện ngầm, viện bảo tàng, rạp chiếu phim và các trung tâm mua sắm, trong khi binh sĩ, cảnh sát tràn ngập đường phố.
Cảnh báo được đưa ra sau khi tình báo Bỉ nắm được “thông tin đáng tin cậy về một âm mưu tấn công nghiêm trọng có thể xảy ra cùng lúc ở nhiều nơi tại Brussels”. Trong khi đó, nhiều cư dân thủ đô Bỉ hôm qua tỏ ra rất lo ngại sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến công việc và cuộc sống nếu tình trạng này kéo dài sang thứ hai đầu tuần. Trước tình hình trên, Thủ tướng Charles Michel kêu gọi mọi người đề cao cảnh giác nhưng vẫn giữ bình tĩnh. Ngoài ra, giới chức an ninh Bỉ sẽ họp vào chiều 22.11 (giờ địa phương) để xem xét có nên tiếp tục duy trì mức báo động cao nhất hay không.
Cũng trong ngày 22.11, CNN dẫn lời phát ngôn viên lực lượng LHQ tại Mali Olivier Salgado loan báo số người chết trong vụ tấn công và bắt giữ 170 con tin tại khách sạn Radisson Blu ở thủ đô Bamako hôm 20.11 đã tăng lên 20 người, trong đó nhiều người nước ngoài. Đến nay, giới chức vẫn chưa xác định được 2 tay súng al-Qaeda chết tại hiện trường là do trúng đạn của lực lượng an ninh hay tự sát.
Văn Khoa
|
Anonymous tuyên bố IS âm mưu tấn công nhiều nước
Hôm qua 22.11, nhóm tin tặc nổi tiếng Anonymous tiết lộ với báo International Business Times rằng vừa phát hiện kế hoạch của IS tấn công các địa điểm đông người ở Mỹ, Pháp, Ý, Indonesia và Li Băng trong ngày 22.11 (giờ địa phương).
Anonymous còn nêu danh sách những sự kiện trong tầm ngắm của IS, bao gồm một giải đấu vật ở Atlanta (Mỹ), một buổi diễn ca nhạc tại Milan (Ý) và một số sự kiện hội họp tại Paris, Indonesia và Li Băng.
Nhóm này tuyên bố phát hiện âm mưu nói trên sau khi tấn công các tài khoản của IS và đã chuyển thông tin cho giới chức. Đến nay, chính quyền các nước liên quan chưa có bình luận về thông tin trên, nhưng nhóm nhạc Five Finger Death Punch đã quyết định hoãn buổi diễn ở Milan, theo trang tin Examiner.
Trong một diễn biến khác, lực lượng an ninh Iraq tuyên bố vừa phá âm mưu của IS cài chất nổ vào búp bê nhằm tấn công đợt hành hương hằng năm của người Hồi giáo dòng Shiite ở TP.Karbala của nước này (IS theo Hồi giáo dòng Sunni - NV). International Business Times dẫn lời giới chức cho biết đã phát hiện rất nhiều búp bê giấu chất nổ khi truy quét một cứ điểm của IS. Tổ chức này bị cho là muốn đặt búp bê trên con đường từ thủ đô Baghdad đến Karbala để dụ trẻ em trong đoàn hành hương nhặt lên rồi hòa vào đám đông và cho nổ, gây thương vong lớn.
Minh Trung
|
Bình luận (0)