Mai mối trực tuyến lên ngôi ở Nhật Bản

28/06/2019 08:04 GMT+7

Người trẻ Nhật Bản ngày càng có xu hướng tìm đến các ứng dụng mai mối trực tuyến để tăng cơ hội gặp được người “tâm đầu ý hợp”.

Thay vì tìm đến các công ty hẹn hò, tham dự những bữa tiệc mai mối hoặc “phó mặc cho trời”, nhiều người trẻ Nhật Bản hiện tin tưởng các thuật toán, trí tuệ nhân tạo có thể giúp họ tìm được một nửa phù hợp.

Kết hôn sau 6 tháng hẹn hò

Makoto Yamada (30 tuổi) làm việc tại thành phố Tachikawa, phía tây Tokyo, đã kết hôn với Sayaka (33 tuổi) - một nghiên cứu sinh hồi tháng 6 năm ngoái sau khi gặp gỡ qua dịch vụ mai mối trực tuyến có tên gọi là Pairs (Kết đôi) của Tập đoàn Eureka. Cả hai biết về dịch vụ này thông qua quảng cáo trên mạng xã hội và đăng ký thành viên mà không cần đắn đo suy nghĩ. Cặp đôi cho biết có nhiều bạn bè đang sử dụng các dịch vụ mai mối tương tự, nên họ không ngần ngại tìm kiếm tình yêu trực tuyến. Sau khi trò chuyện trên mạng, Yamada và Sayaka nhận thấy họ có nhiều điểm tương đồng về tính cách và sở thích. Họ hẹn hò khoảng 6 tháng rồi quyết định về chung một nhà không lâu sau đó.
Hãng Kyodo dẫn lời Sayaka cho hay cô từng không thể tìm được người yêu từ những mối quan hệ quanh mình do làm một công việc trong suốt 10 năm. Sau khi quyết định thử một điều gì đó mới, cô đã tìm đến ứng dụng mai mối trực tuyến Pairs. “Cha mẹ tôi khá hài lòng về dịch vụ này sau khi được tôi mô tả nó giống như một kiểu sắp đặt hôn nhân thời hiện đại”, Sayaka kể. Trong xã hội thời gian là vàng như Nhật, nhiều người trẻ cảm thấy khó tìm được người yêu thông qua những phương thức hẹn hò truyền thống. Thay vào đó, họ chọn các ứng dụng mai mối trực tuyến vì tiện dụng và xác suất gặp được người ưng ý cao.

[VIDEO] "Đời không như mơ" với phụ nữ trong ngành y Nhật Bản vì bất bình đẳng giới

Hiện có khoảng 10 công ty cung cấp dịch vụ mai mối như vậy tại xứ hoa anh đào và hầu hết cho biết số lượng người dùng của họ tăng nhanh trong những năm gần đây. Ngoài cung cấp dịch vụ trực tuyến, các công ty còn tổ chức nhiều sự kiện giúp những cặp đôi tiềm năng có thể gặp gỡ trực tiếp để “kiểm chứng” những thông tin hình ảnh trên mạng có giống thực tế hay không.

Trông cậy vào thuật toán

Bắt đầu hoạt động tại Nhật vào năm 2012, Pairs ra mắt phiên bản tương tự tại Đài Loan vào năm sau đó và tại Hàn Quốc vào năm 2017. Hiện có hơn 10 triệu thành viên đã đăng ký Pairs. Khi đăng ký, người dùng phải xác minh tuổi thông qua bằng lái xe hoặc các loại giấy tờ tùy thân khác. Người dùng có thể báo cáo thành viên khác vi phạm các quy tắc như đã kết hôn hoặc thường đăng tin quảng cáo. Dịch vụ này cho biết họ theo dõi tin nhắn và hình ảnh 24/24. Mọi vi phạm sẽ được xử lý kịp thời. Hồi cuối năm ngoái, Eureka đã khởi động một dự án nghiên cứu hợp tác với Toshihiko Yamasaki, Phó giáo sư tại Đại học Tokyo, về việc sử dụng dữ liệu người dùng và tạo ra thuật toán mai mối. Shintaro Kaneko, Giám đốc Công ty Eureka, cho biết ngay cả khi hai người không có cùng sở thích thì họ vẫn có cơ hội ghép đôi. “Bằng cách cải thiện hơn nữa tính chính xác của phân tích dữ liệu, chúng tôi muốn tạo ra các “cuộc gặp tình cờ” giữa những người dùng dịch vụ”, ông Kaneko nói thêm.
 

[VIDEO] Kì lạ cuộc hôn nhân chồng thật - vợ ảo tại Nhật Bản

Linkbal, công ty tổ chức các sự kiện mai mối truyền thống, cũng cung cấp ứng dụng hẹn hò trực tuyến CoupLink kể từ tháng 7.2016. Theo Linkbal, vì ứng dụng trên cho phép người dùng “làm quen với 1,5 triệu thành viên trực tuyến”, nhiều người tham dự các sự kiện mai mối thực tế sau đó đã đăng ký sử dụng ứng dụng hẹn hò này để tăng cơ hội thành công. Lãnh đạo Linkbal cho hay ngay cả khi mọi người không gặp được ai đó mình thích trong sự kiện thực tế, họ vẫn có cơ hội hẹn hò bằng cách nhắn tin cho người dùng khác trên ứng dụng CoupLink. “Những người tham gia các sự kiện thường muốn kết hôn. Chúng tôi sẽ tiếp tục mang đến cho mọi người cơ hội này bằng cách mở rộng thêm các chức năng của ứng dụng, tận dụng cả sự kiện thực tế lẫn dịch vụ trực tuyến”, một lãnh đạo của Linkbal khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.