Malaysia - Trung Quốc và sóng ngầm Biển Đông

12/06/2015 07:16 GMT+7

Cố vấn về Trung Quốc của Thủ tướng Malaysia, tiến sĩ Oh Ei Sun viết độc quyền cho Thanh Niên về những “con sóng ngầm” đang làm chao đảo quan hệ hai nước.

Cố vấn về Trung Quốc của Thủ tướng Malaysia, tiến sĩ Oh Ei Sun viết độc quyền cho Thanh Niên về những “con sóng ngầm” đang làm chao đảo quan hệ hai nước.

Malaysia, nước giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2015, không còn giữ im lặng trước hành động lấn tới của Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh: CSISMalaysia, nước giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2015, không còn giữ im lặng trước hành động
 lấn tới của Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh: CSIS
Trong chuỗi sự kiện gay cấn về tranh chấp ở Biển Đông gần đây, diễn biến mới nhất là việc Kuala Lumpur tuyên bố sẽ chính thức phản đối Trung Quốc qua đường ngoại giao về việc tàu hải cảnh nước này xâm nhập bãi Luconia, một chuỗi đảo nhỏ và bãi đá nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Malaysia. Thủ tướng Najib Razak dự kiến sẽ “nêu vấn đề trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”.
Phản ứng có phần gay gắt trước sự hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông này, kể cả chỉ mang tính bề nổi, phản ánh việc chấm dứt thái độ né tránh của Kuala Lumpur trước những sự kiện tương tự trước đây.
Tiến sĩ luật Oh Ei Sun - Thư ký chính trị của Thủ tướng Najib Razak cho đến năm 2011 - hiện là chuyên gia quốc phòng và an ninh của Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore), đồng thời là cố vấn không chính thức cho ông Najib về các vấn đề Trung Quốc.
Nhiều nhà nghiên cứu đã mô tả thái độ của Malaysia trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc là “thúc thủ”, xuất phát từ sự tính toán giữa mối đoàn kết trong ASEAN trước vấn đề Biển Đông với lợi ích của Kuala Lumpur trong mối quan hệ kinh tế gần gũi với Bắc Kinh. Thái độ đó hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận đương đầu của một số quốc gia ASEAN khác có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.
4 con sóng ngầm
Cá nhân tôi cho rằng cái nhãn “thúc thủ” đó chỉ đúng một phần. Bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương hằng năm giữa hai nước đã vượt mốc 100 tỉ USD và dự kiến đạt 160 tỉ USD vào năm 2018. Vậy nên, Kuala Lumpur đặt việc duy trì mối quan hệ kinh tế đầy hoa lợi với Bắc Kinh lên trên vấn đề tranh chấp Biển Đông là hợp lý. Nhưng điều đó chẳng đem lại giải pháp ngắn hay dài hạn nào. Và phản ứng to tiếng mới nhất của Malaysia trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có thể xuất phát từ ít nhất là 4 yếu tố sau đây:
Thứ nhất, trong vòng một năm nay, Bắc Kinh đã tiến hành việc xây đảo nhân tạo nhiều nơi trong Biển Đông với quy mô lớn chưa từng có. Điều đó không thể không gây nghi ngờ và lo ngại cho các nước trong khu vực lẫn bên ngoài. Nhiều quốc gia, kể cả Malaysia, đã lên tiếng, nhưng đều vô tác dụng trong việc buộc Bắc Kinh ngưng các hành động của mình. Điều này cho thấy Malaysia vì thực sự lo sợ trước những gì Trung Quốc tạo mới ở Biển Đông mà phản ứng mạnh hơn.
Thứ hai, việc xâm nhập vào vùng biển của Malaysia bởi các tàu của Trung Quốc - thường là tàu mang danh nghĩa dân sự, nhưng đôi lúc cả tàu quân sự và bán quân sự - trước đây còn thưa thớt, nay ở mức như ăn cơm bữa, theo báo cáo của các cơ quan quản lý biển Malaysia. Mỗi lần như vậy, Malaysia lại xua tàu xâm nhập và đưa công hàm phản đối ngoại giao. Nhưng tất cả đều thất bại trong việc yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt việc này. Sự gia tăng tần suất xâm nhập và quy mô hiện diện của tàu Trung Quốc gần đây khiến Malaysia phải nâng mức phản đối lên cấp cao nhất là giữa nguyên thủ hai nước.
Thứ ba, như trong nhiều vụ tranh chấp lãnh thổ trên thế giới, nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã tiến hành nhiều biện pháp ở các cấp độ khác nhau để củng cố cơ sở chủ quyền của mình theo sau hành động của Trung Quốc. Nhìn thấy điều đó, Kuala Lumpur có lẽ cũng muốn làm tương tự, dù bước đầu chỉ là thể hiện sự bất bình một cách ngoại giao đối với Bắc Kinh ở cấp lãnh đạo cao nhất, như một công cụ bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình.
Thứ tư, việc Mỹ tái cam kết hiện diện chiến lược trong khu vực có lẽ cũng khiến nhiều quốc gia có động thái mạnh mẽ hơn trước Trung Quốc. Tại Đối thoại Shangri-La hồi cuối tháng 5.2015, chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công khai nói rằng hành động của Bắc Kinh đã khiến nhiều quốc gia láng giềng trong khu vực tìm đến sự bảo an của Washington. Ông Carter cũng cam kết sẽ cung cấp nguồn lực an ninh cho nhiều quốc gia theo Sáng kiến An ninh biển Đông Nam Á. Bởi vậy, việc Malaysia trở nên mạnh miệng hơn trong vấn đề Biển Đông không có gì đáng ngạc nhiên.
Do ông Tập và ông Najib không có kế hoạch gặp nhau trong tương lai gần, việc “nêu vấn đề trực tiếp” có thể được ngầm hiểu rằng sẽ có một đường dây nóng giữa hai nhà lãnh đạo. Vậy nên, mọi cặp mắt hiện đang dò xét liệu sự cố mới nhất trên Biển Đông và các phản ứng liên quan có dẫn đến một sự chuyển biến tinh tế trong quan hệ song phương Malaysia - Trung Quốc lẫn sự đồng thuận giữa các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông hay không.
(Thục Minh chuyển ngữ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.