Manh mối mới của Phòng Hổ Phách

08/07/2019 10:00 GMT+7

Sự quan tâm về báu vật vô giá vào thời Sa hoàng Nga từ thế kỷ 18 tiếp tục được khơi dậy sau khi những nhà săn lùng kho báu Đức và Ba Lan cho rằng đã tìm ra manh mối mới.

Phòng Hổ Phách là một căn phòng được trang hoàng vô cùng lộng lẫy bằng vàng lá, thủy tinh và những mảng hổ phách với trọng lượng tổng cộng hơn 6 tấn, đã biến mất trong Thế chiến 2.
Phòng Hổ Phách đang được giấu kín bên trong một boong ke ngầm bí mật ở thành phố miền tây nước Đức, cách biên giới Hà Lan khoảng 65 km. Đó là lời tuyên bố của sử gia nghiệp dư người Đức Karl-Heinz Kleine, nhà sáng lập website amber-room.org. Ông Kleine và nhóm của mình đã lần theo dấu vết kho tàng của Sa hoàng trong khoảng 10 năm, và họ tập trung vào TP.Wuppertal ở bang North Rhine - Westphalia (Đức). Sở dĩ họ chọn nơi này là dựa trên kết quả thu được từ nỗ lực nghiên cứu một nhân vật tên Erich Koch.
Sinh ra tại Wuppertal, Koch trở thành quan chức cấp cao trong chính quyền thời Đức Quốc xã và từng đứng đầu TP.Konigsberg (Nga), được cho là nơi giấu Phòng Hổ Phách trong thời chiến tranh.
Theo phân tích của trưởng nhóm Kleine, Koch có lẽ là sĩ quan Đức Quốc xã giàu nhất vào thời đó, dựa vào thực tế ông ta có cơ hội cướp bóc toàn bộ các viện bảo tàng nằm ở Đông Âu. “Vào giữa thập niên 1944, Phòng Hổ Phách được chuyển từ Konigsberg đi theo ngả tây Đức. Koch từng công tác trong ngành đường sắt sau khi Thế chiến 1 chấm dứt. Sẽ chẳng có chuyện ông ta dùng xe tải để vận chuyển lô hàng lớn và đầy giá trị này. Toàn bộ công tác vận chuyển đều được thực hiện bằng xe lửa”, Hãng Sputnik dẫn lời nhà nghiên cứu cho biết và chỉ ra rằng toàn bộ các thông tin ghi lại những lời nhân chứng về việc các sĩ quan mật vụ Đức và xe tải chở theo một số chiếc thùng bí ẩn “không có liên quan gì” Phòng Hổ Phách.
“Koch muốn chiếm đoạt số kho báu này. Ông ta vẫn chưa biết rằng phe mình đã thua trong cuộc chiến, và cũng chẳng dự đoán được mình sẽ không bao giờ có thể nhìn các báu vật yêu dấu lần thứ hai. Koch xem đây là tài sản riêng. Tôi dám chắc Phòng Hổ Phách đang nằm ở Wuppertal”, chuyên gia Kleine kiên trì bày tỏ quan điểm của mình. Trong khi đó, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ một viện bảo tàng ở Ba Lan cam đoan họ đã “đạt được đột phá” trong nỗ lực tìm kiếm Phòng Hổ Phách. Địa điểm mà họ tập trung khảo sát là một boong ke bí mật nằm gần thị trấn Wegorzewo ở miền đông bắc Ba Lan, nơi mà họ cho là đang cất giấu kho báu.
Tuy nhiên, chuyên gia Kleine tin rằng xác suất Koch chôn kho báu tại Wuppertal cao hơn nhiều, vì thành phố Đức sở hữu một hệ thống hầm ngầm tránh bom vô cùng phức tạp và chằng chịt, lên đến 170 hầm bên dưới các nhà máy và các boong ke. Nhóm của ông đang bận bịu truy tìm theo hướng này, dù việc khảo sát các cấu trúc này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức vì khoảng phân nửa thành phố bị bom đạn của quân Đồng Minh san bằng trong thế chiến thứ hai. Thêm vào đó, các manh mối về vị trí của nhiều boong ke dạng này thường bị giới hạn ở tên đường nơi chúng được xây dựng. Nỗ lực tìm kiếm càng thêm phức tạp do một số chủ nhà hiện nay có vẻ e dè khi nhận được đề nghị hợp tác với những người săn kho báu.
Nó là tuyệt tác vô giá được tạo ra từ các bàn tay của đội ngũ thợ thủ công người Đức vào thế kỷ 18 và được vua Phổ Frederick William I tặng cho Sa hoàng Peter I vào năm 1716. Về sau, nữ hoàng Catherine Đại đế đã mang căn phòng về cung điện Catherine, phía nam thành phố St. Petersburg.
Trong Thế chiến 2, Phòng Hổ Phách đã rơi vào tay Đức Quốc xã và bị gỡ ra mang đi đến một địa điểm khác. Vào đầu năm 1945, trong lúc Đức Quốc xã chống đỡ trước sức ép của Hồng quân Liên Xô, căn phòng biến mất vào thời điểm Erich Koch tháo chạy khỏi thành phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.