Mâu thuẫn Hồi giáo - Do Thái nhìn từ chuỗi khủng bố Paris

20/01/2015 19:20 GMT+7

(TNO) Vụ tay súng Hồi giáo Amedy Coulibaly bắn chết 4 người trong cửa hàng thực phẩm của người Do Thái ở khu Porte de Vincennes (Paris, Pháp), khiến mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa người Hồi giáo và Do Thái tại Pháp càng trở nên căng thẳng.

(TNO) Vụ tay súng Hồi giáo Amedy Coulibaly bắn chết 4 người trong cửa hàng thực phẩm của người Do Thái ở khu Porte de Vincennes (Paris, Pháp), khiến mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa người Hồi giáo và Do Thái tại Pháp càng trở nên căng thẳng.

Tay súng hồi giáo Amedy Coulibaly - Ảnh: AFP
Trước khi bắt giữ 20 con tin tại một cửa hàng thực phẩm của người Do Thái ở khu Porte de Vincennes (Paris) rồi bắn chết 4 người vào ngày 9.1, tay súng Hồi giáo Amedy Coulibaly đã quay một đoạn video “mang đậm tinh thần tử vì đạo” dài khoảng 7 phút, trong đó khẳng định vụ tấn công nhắm vào người Do Thái, đồng thời tuyên bố: "Tất cả những việc chúng tôi (Coulibaly và anh em Kouachi) làm là hoàn toàn đúng đắn”, theo Reuters.
Không phải ngẫu nhiên mà hàng ngàn người thuộc cộng đồng Do Thái tại Pháp vội vã di cư đến Israel, khi nỗi sợ về mối đe dọa đang ngày càng dâng lên, mặc cho tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Pháp Manuel Valls: “Nước Pháp không người Do Thái thì không còn là nước Pháp nữa”.
Lịch sử của người Do Thái tại Pháp được định hình, theo cách nào đó, chính bằng chủ nghĩa bài Do Thái, bắt đầu xuất hiện mạnh mẽ tại đây vào cuối thế kỷ 19 khi Alfred Dreyfus, một đại úy Pháp gốc Do Thái, bị tố làm gián điệp cho quân đội Đức (dù sau đó ông đã được minh oan), bà Maud S. Mandel, hiệu trưởng trường cao đẳng thành viên thuộc Đại học Brown (Rhode Island, Mỹ), tác giả cuốn sách Người Do thái và Hồi giáo ở Pháp: Lịch sử xung đột, chia sẻ với tạp chí Time.
Đại úy Alfred Dreyfus - Ảnh: AFP
“Sự kiện Dreyfus” bắt đầu gây chia rẽ về tư tưởng trong cộng đồng người Do Thái tại Pháp. Một số cho rằng việc đại úy Alfred được chính phủ Pháp minh oan đại diện cho thắng lợi của nền cộng hòa đối với chủ nghĩa bài ngoại và phân biệt đối xử, trong khi những người bi quan nhìn nhận sự kiện này là bằng chứng khẳng định tính đặc hữu của chủ nghĩa bài Do Thái ở châu Âu nói chung.
Chiến tranh thế giới lần 2 thực sự là cơn ác mộng đối với cộng đồng Do Thái khắp châu Âu. Khi Đức chiếm được phần lớn lãnh thổ Pháp, chính phủ Vichy (hợp tác với phe trục, gồm: Nhật, Ý, Đức quốc xã) thậm chí còn ra sức giúp đỡ phát xít thu gom người Do Thái trên khắp đất nước. Time đánh giá đây là một vết nhơ trong lịch sử Pháp. Khi cuộc chiến kết thúc, chỉ 2.500 trong số khoảng 70.000 người Do Thái bị trục xuất khỏi Pháp còn sống sót. Tuy nhiên vẫn có một số lượng lớn người Do Thái được nhân dân Pháp che chở, theo bà Mandel.
Sau thế chiến, dòng người Do Thái lại ồ ạt đổ về quốc gia hình lục lăng từ các nước bắc Phi, trước đó là thuộc địa của Pháp như Morocco, Tunisia… Mặt khác, làn sóng Hồi giáo cũng bắt đầu tạo được ảnh hưởng nhất định. Đây là hệ quả tất yếu của chủ nghĩa thực dân trước đây và chính sách nhập cư hiện đại của Pháp nói riêng và các nước châu Âu nói chung, theo đánh giá từ Simon Schuster, phóng viên thường trú của Time.
Theo đó, người Hồi giáo ở Algeria chia làm 2 phe khi Pháp, vào đầu thế kỷ 19, tiến hành xâm lược rồi ra lệnh phá hủy toàn bộ các cấu trúc, đồng thời buộc người Hồi giáo bỏ đạo để đổi lấy danh nghĩa công dân Pháp. Đến năm 1962 khi cách mạng Algeria kết thúc với sự thất bại của phe thực dân, hàng triệu người Hồi giáo Algeria thân Pháp đã đi theo lực lượng viễn chinh trở về “mẫu quốc”.
Cuộc chiến tranh Algeria (1954 - 1962) - Ảnh: Reuters
Lúc đầu, tuy thỉnh thoảng gặp một số xích mích không đáng kể, cộng đồng Do Thái và Hồi giáo tại Pháp vẫn chung sống khá thân thiện. Nhưng đến đầu những năm 1980, đặc biệt sau cuộc xung đột giữa Israel (ủng hộ Do Thái) và Palestine (hầu hết theo Hồi giáo), mâu thuẫn bắt đầu trở nên nghiêm trọng, dù về cơ bản cả 2 tôn giáo đều bảo vệ những giá trị, nguyên tắc và định hướng gần như tương đồng.
Theo bà Maud S. Mandel, một trong những nguyên nhân khiến mối quan hệ Hồi giáo – Do Thái tại Pháp tuột dốc thê thảm là nhà nước bất lực trong việc hòa hợp chặt chẽ người Hồi giáo vào xã hội Pháp, từ đó cản trở khả năng hợp tác giữa các bên. Mặt khác, những nhu cầu riêng quá khác biệt cũng khiến 2 cộng đồng lớn tại Pháp có sự chia rẽ sâu sắc.
Biểu tình kêu gọi sự bình đẳng giữa các tôn giáo ở Pháp - Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, cần tách biệt mối quan hệ không mấy hữu hảo trên với những cuộc tấn công quy mô, cụ thể của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo toàn cầu nhằm vào dân Do Thái trong vài năm trở lại đây: “Hiện tượng đó chỉ xảy ra ở một số nhóm phần tử cực đoan chứ không phải cả cộng đồng Hồi giáo đa dạng và đông đảo tại Pháp”, bà Mandel nhận định.
Sau hàng loạt các vụ khủng bố của nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan, cộng đồng châu Âu đang tỏ ra “dị ứng” với tôn giáo này hơn bao giờ hết. Năm 2008, thống kê cho thấy 46% người dân Tây Ban Nha có nhận xét không tốt về người theo đạo Hồi, trong khi con số này ở Hy Lạp và Ý lần lượt là 53% và 63%. Gần đây nhất, 25.000 người Đức đã xuống đường biểu tình đòi chặn đường nhập cư của người theo đạo Hồi vào lãnh thổ quốc gia hôm 12.1, theo Simon Schuster.
Nguồi Hồi giáo biểu tình ở thành phố Strasbourg, miền đông nước Pháp - Ảnh: Reuters
Mặc dù làn sóng phản đối ngày càng lan rộng, nhưng không thể phủ nhận sự thật đạo Hồi đang là tôn giáo có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Âu hiện nay. Chỉ tính riêng tại Pháp đã có khoảng 7 triệu người Hồi giáo, con số cao nhất khu vực tây Âu, theo Schuster.
Trong khi đó, cộng đồng Do Thái đông thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Israel), đang thể hiện sự hòa nhập tốt đẹp với xã hội Pháp hơn bao giờ hết, kể cả khi nỗi sợ về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái đang hằng ngày đe dọa họ. Haim Korsia, lãnh đạo Do Thái tại Pháp, phát biểu trong buổi tuần hành của 3,7 triệu người nhằm tưởng niệm sự kiện khủng bố tại Paris đầu năm 2015: “Chúng tôi không đơn độc”, theo tạp chí Times.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.