Máy bay không người lái 'lên ngôi' trong các cuộc xung đột

Văn Khoa
Văn Khoa
07/10/2020 18:24 GMT+7

Trong các cuộc xung đột và căng thẳng gần đây, việc sử dụng UAV ngày càng phổ biến vì giá rẻ, năng lực tấn công chính xác nhờ các công nghệ hiện đại đi kèm, lại ít gây tổn thất về nhân mạng so với việc dùng máy bay có người điều khiển.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Armenia hôm 2.10 khẳng định hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ một chiến đấu cơ và một máy bay không người lái (UAV) của Azerbaijan trong cuộc xung đột giữa hai bên về vùng Nagorno - Karabakh kéo dài hơn 10 ngày qua. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã bác bỏ cáo buộc.
Đến ngày 5.10, Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne tuyên bố nước này dừng xuất khẩu công nghệ về trinh sát cho Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc điều tra liệu UAV Thổ Nhĩ Kỳ trang bị công nghệ của Canada có được Azerbaijan sử dụng trong cuộc xung đột về Nagorno-Karabakh hay không, theo Reuters.

Hình ảnh do phía Azerbaijan cung cấp cho thấy UAV của nước này tiêu diệt các mục tiêu gồm 1 khẩu pháo 122 mm (ảnh trên) và dàn pháo phản lực BN-21 của lực lượng ly khai người Armenia ở vùng Nagorno-Karabakh (dưới)

Bộ Quốc phòng Azerbaijan

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng nước này "hy vọng Canada theo một chính sách không có tiêu chuẩn kép" và hành xử không bị ảnh hưởng bởi những bên phản đối Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ từng cung cấp UAV cho Azerbaijan và mới đây tái khẳng định đứng về phía đồng minh này trong cuộc xung đột về Nagorno-Karabakh.

[VIDEO] Xung đột Armenia - Azerbaijan leo thang, số người thương vong gia tăng

UAV đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tại Nagorno-Karabakh, theo báo Asia Times. Hai bên liên tục tung ra các clip, hình ảnh cho thấy UAV gây nhiều thiệt hại cho đối phương. Nhiều UAV của Azerbaijan do Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Israel sản xuất đã được sử dụng trong cuộc xung đột và chiếm phần lớn những tổn thất do Armenia gây ra. Còn Armenia thì bị tổn thất về xe bọc thép, bệ phóng rốc két đa nòng và hệ thống phòng không do UAV của Azerbaijan gây ra.
Azerbaijan thậm chí khẳng định đã phá hủy một hệ thống tên lửa S-300 của Armenia bằng UAV Harop do Israel sản xuất, nhưng Armenia phủ nhận. Harop còn được gọi là “UAV cảm tử”, có thiết kế thân kiểu tàng hình nên khó bị hệ thống phòng không của đối phương phát hiện.

UAV “thay đổi cuộc chơi”

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ngày càng gia tăng dùng các UAV “thay đổi cuộc chơi” làm vũ khí chống lại lực lượng nổi dậy người Kurd ở Iraq, gây ra nỗi sợ về an toàn của dân thường và làm leo thang căng thẳng địa chính trị, theo AFP ngày 2.10.
“Không ngày nào trôi qua mà chúng tôi không thấy một chiếc UAV. Chúng bay thấp đến mức người dân có thể nhìn thấy bằng mắt thường”, ông Mohammad Hassan, thị trưởng vùng Qandil ở Iraq, cho hay. Qandil là khu vực miền núi giáp với Iran và là đại bản doanh của Đảng Lao động người Kurd (PPK). Đảng này dùng Qandil để chống nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.

[VIDEO] Quân đội Syria đẩy lùi UAV tấn công sân bay quân sự

Ngoài ra, đảng Dân chủ người Kurd-Iran (PDK-I) cũng có một số căn cứ tương tự ở những vùng hẻo lánh hơn ở Iraq. Từ đây, PDK-I tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới vào Iran.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều xem lực lượng nổi dậy người Kurd là thành phần “khủng bố” và thường tiến hành cuộc tấn công trên bộ xuyên biên giới, các cuộc không kích và pháo kích chống lại các căn cứ của họ ở Iraq, theo AFP.

Một chiếc UAV của Thổ Nhĩ Kỳ

Getty

Từ năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran dùng UAV để tiến hành các hoạt động giám sát và thậm chí ám sát ở miền bắc Iraq. Việc sử dụng UAV gia tăng đáng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc tấn công mới đây hồi tháng 6, theo một số nhà phân tích nhận định với AFP.

UAV trong căng thẳng Mỹ - Iran

Ngày 18.9, Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đã điều khiển một chiếc UAV giám sát hoạt động xung quanh tàu sân bay Mỹ USS Nimitz khi tàu này đi qua eo biển Hormuz. Hãng tin Tasnim của Iran đã đăng tải một số hình ảnh do UAV chụp về tàu USS Nimitz và chiến đấu cơ trên tàu.

Hình ảnh do Iran công bố cho thấy UAV nước này chụp cận cảnh tàu sân bay Mỹ USS Nimitz đi qua eo biển Hormuz ngày 18.9.2020

Tasnim

Trước đó, vào ngày 11.9, hãng tin IRNA dẫn thông báo từ quân đội Iran khẳng định một chiếc UAV của nước này đã ngăn chặn một máy bay tuần tra biển P-8 cùng hai UAV MQ-9 và RQ-4 của Mỹ khi 3 máy bay này vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Iran.
Trong khi đó, Mỹ hôm 3.1 dùng UAV MQ-9 Reaper phóng 2 tên lửa, trong đó có một quả trúng đoàn xe chở thiếu tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng tinh nhuệ al-Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) ở sân bay tại Baghdad (Iraq), khiến ông Soleimani thiệt mạng. MQ-9 tiến hành cuộc tấn công trên sau khi bay từ một căn cứ ở Qatar và được điều khiển từ xa từ một căn cứ không quân ở bang Nevada (Mỹ), theo trang tin ARAB News.

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper được trang bị tên lửa Hellfire

Không quân Mỹ

Trước đó, vào tháng 7.2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố một tàu hải quân của nước này đã bắn hạ UAV của Iran vì đã đe dọa khi tàu chiến Mỹ vào eo biển Hormuz, theo AFP. UAV của Iran bị bắn hạ gần một tháng sau khi Iran bắn rơi UAV MQ-4C Triton của Mỹ ở eo biển Hormuz, khiến căng thẳng song phương dâng cao.

Vũ khí đáp trả của Houthi

Mới đây, vào ngày 6.10, liên quân Ả Rập do Ả Rập Xê Út dẫn đầu cho hay đã đánh chặn một UAV do lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen triển khai hướng về thành phố Najran thuộc miền nam Ả Rập Xê Út, theo hãng tin Anadolu. Phát ngôn viên liên quân Turki al-Maliki cho rằng chiếc UAV trên được điều khiển theo cách nhắm vào dân thường ở Najran.
Houthi chưa có phản ứng về cáo buộc trên, nhưng lực lượng này thường triển khai UAV và phóng tên lửa đạn đạo về phía Ả Rập Xê Út nhằm đáp trả các cuộc tấn công của liên quân vào những khu vực ở Yemen do Houthi kiểm soát. Cách đây gần một tháng, liên quân cho hay đã đánh chặn một chiếc UAV có chất nổ do Houthi triển khai bay về phía Ả Rập Xê Út vào ngày 9.9, đánh dấu cuộc tấn công bằng UAV thứ 2 của Houthi trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Một chiếc UAV (loại Wing Loong II do Trung Quốc chế tạo) của liên quân do Ả Rập Xê Út dẫn đầu bị lực lượng Houthi bắn rơi ở Yemen tháng 12.2019

Lực lượng Houthi

Hồi tháng 8, Houthi tuyên bố bắn hạ một chiếc UAV do Mỹ chế tạo tại khu vực biên giới phía bắc của Yemen giáp Ả Rập Xê Út, nhưng quân đội Mỹ khẳng định không có máy bay nào bị mất, theo AP. Quân đội Mỹ từng mất UAV ở Yemen. Hồi năm ngoái, Houthi 2 lần tuyên bố đã bắn hạ MQ-9 Reaper của Mỹ.
Quân đội Mỹ cáo buộc Iran cung cấp cho Houthi những loại vũ khí có khả năng bắn hạ máy bay không người lái của mình. Tuy nhiên, Iran phủ nhận cung cấp vũ khí cho Houthi, dù các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc khẳng định khí tài Iran đã đến tay Houthi.
Có thể nói, UAV ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột hiện tại, không chỉ ở vai trò trinh sát, giám sát mà còn là phương tiện tấn công hữu hiệu, chính xác và rẻ tiền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.