Giới chức ngoại giao Mỹ thông báo quyết định trên, nhưng động thái này phần lớn mang tính biểu tượng vì gần như tất cả chương trình hỗ trợ của Mỹ dành cho Myanmar là nhắm tới các nhóm phi chính phủ, theo AFP.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án việc quân đội kiểm soát chính quyền và bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint hôm 1.2 là “sự công kích trực tiếp vào việc nước này chuyển giao sang nền dân chủ”.
Ông Biden kêu gọi cộng đồng quốc tế nên cùng nhau có tiếng nói chung đòi quân đội Myanmar lập tức từ bỏ quyền lực đã giành được và thả các quan chức cùng những nhà hoạt động đã bắt giữ. Nhà lãnh đạo Mỹ còn dọa áp đặt các lệnh cấm vận đối với Myanmar, theo Reuters.
Ngay sau cuộc chính biến hôm 1.2, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp và tuyên bố quyền lực được giao lại cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing. Ngoài ra, quân đội Myanmar tuyên bố sẽ kiểm soát chính quyền trong vòng 1 năm. Quân đội Myanmar cũng đã cách chức 24 bộ trưởng và thứ trưởng trong chính quyền của bà Suu Kyi, đồng thời bổ nhiệm 11 người vào chính quyền mới, theo Reuters.
Trong cuộc họp đầu tiên của chính phủ mới ngày 2.2, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing nhấn mạnh việc quân đội lên nắm quyền là tất yếu sau khi đã nhiều lần phản đối gian lận bầu cử hồi năm ngoái.
Reuters dẫn thông báo của quân đội Myanmar cho hay lực lượng này phát hiện danh sách cử tri được sử dụng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8.11.2020 có nhiều điểm không thống nhất nhưng Ủy ban Bầu cử liên hiệp (UEC) không giải quyết vấn đề và đã dẫn đến các cuộc biểu tình và bạo động trên khắp cả nước. Quân đội còn cáo buộc UEC làm ngơ trước lời kêu gọi tạm hoãn quốc hội.
Bình luận (0)