Mỹ lên án Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La

05/06/2016 06:00 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc đang “xây Vạn Lý Trường Thành tự cô lập” bằng những hành động phi pháp ở Biển Đông.

Ông Carter phát biểu sáng 4.6 tại diễn đàn an ninh thường niên quan trọng nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tên Đối thoại Shangri-La ở Singapore, với giọng điệu và ngôn ngữ được đánh giá là “bình tĩnh hơn năm ngoái”.
Ông dành gần 2/3 phần đầu của bài phát biểu để chỉ ra các thách thức an ninh trong khu vực mà Mỹ đã và đang hợp tác với các đồng minh và đối tác đóng vai trò bảo đảm ổn định cho phát triển và thịnh vượng. Điểm mới trong bài phát biểu của ông Carter, theo đánh giá của một nhà quân sự cấp cao, là nhấn mạnh sự hợp tác phát triển, thay vì chỉ tập trung vào an ninh, quốc phòng. Ông Carter tuyên bố Mỹ sẽ can dự mạnh hơn vào mục tiêu phát triển vì lợi ích từ khu vực này là rất lớn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 4.6.2016 Reuters
Tự cô lập
Với Trung Quốc, Bộ trưởng Carter khẳng định Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của nước này. “Và trong suốt quá trình làm việc với nhau, Mỹ trước sau như một luôn khuyến khích Trung Quốc hành động tuân thủ, không phá vỡ những nguyên tắc được các quốc gia trong khu vực chia sẻ”, bởi điều đó sẽ giúp khu vực mạnh hơn, an toàn và thịnh vượng hơn, ông nói.
Tại Đối thoại Shangri-La năm nay, đại diện nhiều nước liên tục nêu ý kiến về Biển Đông, phản ánh tình hình tại khu vực đã khiến tất cả phải quan ngại.
Theo tờ The Straits Times, các bộ trưởng quốc phòng Anh và Ấn Độ kêu gọi Trung Quốc kiềm chế hành động ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của Bloomberg bên lề Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee kêu gọi Trung Quốc giải thích với quốc tế về kế hoạch xây đảo ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, The Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hussein Hishammuddin kêu gọi ASEAN giải quyết các khác biệt, bất đồng và đoàn kết ứng phó các biến động trong khu vực. 
Văn Khoa
“Nhưng thật không may, có một sự bất an ngày càng lớn trong khu vực, và ngay chính trong căn phòng này, về các hành động của Trung Quốc trên biển, trong không gian mạng và trên bầu trời khu vực”, ông Carter chỉ trích thẳng. Cụ thể, “ở Biển Đông, Trung Quốc có những hành động bành trướng ở mức chưa có tiền lệ, gây quan ngại về ý đồ chiến lược của nước này”. Chính vì vậy, “nhiều quốc gia khắp khu vực đã có hành động và lên tiếng quan ngại công khai hoặc riêng tư, ở cấp cao nhất, ở các cuộc họp khu vực và diễn đàn quốc tế”.
Theo ông, “hệ quả tất yếu là các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm cô lập quốc gia này, ở thời điểm cả khu vực đang hướng vào nhau, bện vào nhau. Nếu các hành động như trên cứ tiếp diễn, Trung Quốc có thể rơi vào thế tự dựng Vạn Lý Trường Thành để giam mình”.
Ông Carter cũng nhấn mạnh Mỹ xem phán quyết của Tòa trọng tài thường trực của LHQ sắp tới về đơn kiện Trung Quốc của Philippines liên quan đến Biển Đông là “cơ hội để Trung Quốc và các nước trong khu vực tái cam kết về một tương lai có nguyên tắc, đổi mới về ngoại giao và giảm thiểu căng thẳng”.
Dù vậy, người đứng đầu Lầu Năm Góc vẫn thể hiện tinh thần xây dựng: “Mỹ vẫn cam kết hợp tác với Trung Quốc nhằm bảo đảm một tương lai dựa trên nguyên tắc”. Ông cho biết đang có kế hoạch đến Bắc Kinh vào cuối năm nay theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình để thảo luận về các mối quan ngại mà ông vừa nêu cũng như bàn hợp tác sâu hơn.
Phát biểu của ông Carter về Trung Quốc nhận được sự đồng tình của phần lớn đại biểu, những người muốn ông trả lời thêm về các giải pháp cứng rắn hơn trước thái độ bất chấp của đối phương, nhưng lại khiến các đại biểu đến từ Bắc Kinh “nóng mặt”. Giáo sư Giả Khánh Quốc từ Trường Nghiên cứu quốc tế của ĐH Bắc Kinh cho rằng tranh chấp ở Biển Đông “bị thổi phồng”. Ông này đặt vấn đề vì sao chỉ có Trung Quốc bị chỉ trích vì mở rộng đảo trong khi “các quốc gia khác cũng làm như vậy” và tại sao Mỹ xem trọng việc tiến hành các hoạt động tuần tra gần biển đảo của nước khác như thế?
Bộ trưởng Carter khẳng định Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng đứng về phía luật pháp quốc tế, vốn bị Trung Quốc vi phạm. “Hoạt động tuần tra của Mỹ nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và chỉ nhằm bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông”, và “Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động này”, ông Carter tuyên bố.
Tăng cường năng lực
Trong bài phát biểu với chủ đề Đáp ứng các thách thức an ninh phức tạp ở châu Á, Bộ trưởng Carter cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục là “người bảo vệ và đóng góp hàng đầu cho mạng lưới an ninh có nguyên tắc của khu vực”. Để làm được điều này, Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục đưa đến khu vực những nhân sự giỏi của hải quân cùng các khí tài đắc lực như chiến đấu cơ tàng hình F-22, F-35, máy bay thám sát biển P-8 Poseidon, máy bay ném bom B-2, B-52 và các chiến hạm nổi mới nhất...
Bên cạnh đó là thúc đẩy các hợp tác 3 bên giữa Mỹ và Nhật Bản với Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc... thông qua các cuộc tập trận. Đồng thời, Mỹ và các cường quốc khác trong khu vực đã và sẽ giúp tăng cường năng lực quốc phòng cho các quốc gia yếu hơn, bằng việc giúp huấn luyện và hỗ trợ thiết bị tuần tra bảo vệ biên cương.
Ông Carter đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng trong hợp tác với ASEAN thông qua hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Qua cơ chế này, Mỹ tiếp tục mời các bộ trưởng quốc phòng ASEAN đến Hawaii vào tháng 9 “để thảo luận các phương cách xây dựng mạng lưới an ninh khu vực”.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn báo chí ngày 3.6.2016 sau cuộc hội đàm với đoàn Trung Quốc bên lề Đối thoại Shangri-La Reuters
Việt Nam kêu gọi ngưng ngay các hoạt động đơn phương
Trong ngày thứ hai của Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 hôm 4.6, bộ trưởng quốc phòng, các nhà quân sự cấp cao và giới chuyên gia thảo luận nhiều chủ đề như quản lý cạnh tranh quân sự ở châu Á, lập chính sách quốc phòng trong thời điểm bất định, kiềm chế nguy cơ hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên, phát triển năng lực quân sự, thách thức an ninh từ hiện tượng di cư bất thường, chống khủng bố ở châu Á, quản lý căng thẳng ở Biển Đông, vấn đề an ninh mạng...
Phát biểu trong phiên thảo luận toàn thể về quản lý cạnh tranh quân sự ở châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tuyên bố nước này sẽ giúp các quốc gia Đông Nam Á xây dựng năng lực quốc phòng để đối phó với các hành động đơn phương, cưỡng ép và nguy hiểm ở Biển Đông. Bộ trưởng Nakatani cũng nói các phán quyết của tòa án LHQ về tranh chấp chủ quyền cần phải được tuân thủ bởi tất cả quốc gia có tuyên bố chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong phiên họp kín đặc biệt về xử lý căng thẳng ở Biển Đông, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam đã có bài tham luận. Nhìn nhận tình hình Biển Đông “diễn biến rất phức tạp”, thượng tướng Bùi Văn Nam kêu gọi các quốc gia kiềm chế, ngưng ngay các hoạt động đơn phương, không quân sự hóa và thúc đẩy đối thoại, thương lượng để làm hạ nhiệt. Đây là lần đầu tiên đại biểu từ Bộ Công an có tham luận tại diễn đàn này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.