Mỹ: Máy bay phản lực chiến đấu F-14 "về hưu"

12/01/2006 14:25 GMT+7

Loại máy bay phản lực chiến đấu F-1 4 Tomcat của không lực Mỹ sẽ có chuyến bay cuối cùng trước khi về "nghỉ hưu".

F-14 được đưa vào hoạt động từ năm 1971 và nhờ những bộ phim của Hollywood, đã trở thành biểu tượng của sức mạnh quân đội Mỹ trên thế giới. Đạo diễn điện ảnh Mỹ Tony Scott thông qua bộ phim "Top Gun" (1986) không những đã thực hiện xuất sắc việc làm một bộ phim quảng cáo, đánh bóng cho quân đội Mỹ mà còn đưa F-14 lên tượng đài vinh quang.

Giữa những năm 70 thế kỷ XX, F-14 được đưa vào hoạt động để bổ sung cho máy bay F-4 "Con ma", loại máy bay này đã bị quân đội Mỹ thải hồi từ năm 1986. Tuy nhiên "Con ma" vẫn còn được sử dụng trong quân đội một số nước thuộc khối NATO như quân đội Cộng hòa Liên bang Đức. Khi mới đưa vào sử dụng, F-14 được coi là báu vật của không lực Hoa Kỳ, nó là đối thủ cạnh tranh về kỹ thuật đối với Liên Xô. F-14 trang bị 8 tên lửa không đối không, cùng một lúc có thể bắn hạ nhiều máy bay của đối phương.

Theo Chuẩn đô đốc John Miller, hiện là Phó tư lệnh của US Naval Forces Central Command ở Bahrain thì Lầu Năm Góc đã đưa F-14 túc trực trên tàu sân bay của Mỹ để sẵn sàng đánh trả máy bay ném bom của quân đội Liên Xô. Theo viên tướng này thì hồi đó F-14 được coi là một loại máy bay có những ưu điểm nổi bật, và là một trong nhưng loại vũ khí giúp Mỹ giành thắng lợi trong cuộc Chiến tranh lạnh.

F-14 là loại máy bay có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và là một loại vũ khí vô cùng lợi hại của Hải quân Mỹ. Nó có thể xuất kích từ các tàu sân bay để chiến đấu trên không và tấn công các mục tiêu trên mặt đất. F-14 được đưa vào sử dụng lần đầu tiên cách đây 30 năm. Mãi đến năm 1981, các phi công Mỹ trên 2 máy bay F-14 mới bắn những phát tên lửa đầu tiên trong chiến trận, hạ 2 phản lực của không quân Ubye. Trong cuộc chiến Iraq - Iran (1980-1988), máy bay F-14 của quân đội Iran đã bắn hạ nhiều máy bay chiến đấu của quân đội Iraq. Hiện nay, mặc dù bị Mỹ cấm vận, không được cung cấp phụ tùng thay thế, không quân Iran vẫn còn một loạt máy bay F-14 có khả năng chiến đấu. Không lực Mỹ cũng đã sử dụng F-14 trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1990 và bắn hạ nhiều máy bay của Iraq. Sau đó ít lâu, F-14 được quân đội Mỹ sử dụng để kiểm soát cái gọi là vùng cấm bay ở miền Bắc và miền Nam Iraq.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, thế mạnh của F-14 dùng diệt máy bay đối phương không còn dịp để ra oai, vì thế Hải quân Mỹ đã cải tạo một phần máy bay F-14 thành máy bay ném bom, kể cả ném bom điều khiển bằng tia laser. Trên phim ảnh thì F-14 được coi là một loại máy bay lý tưởng, trăm trận trăm thắng nhưng trong thực tế thì nhiều phi công Mỹ đặt tên cho máy bay F-14 là Turkey (gà tây) vì nó khá cục mịch, chậm chạp. Cứ sau một giờ bay thì F-14 cần tới 40 giờ bảo dưỡng, cao gấp 4 lấn so với F-18, một loại máy bay phản lực khác của Mỹ.

Cho đến gần đây, trên tàu sân bay Theodore Rooseve Hải quân Mỹ vẫn còn 22 máy bay F-14 cuối cùng đang hoạt động. Hàng ngày chúng vẫn bay trên bầu trời Iraq. Tuy nhiên, các loại máy bay F-18 hay loại máy bay "Harrier" có khả năng xuất kích thẳng đứng thường được sử dụng nhiều hơn trong việc tiễu trừ lực lượng nổi loạn. Phi công điều khiển F-14 trên tàu sân bay Theodore Roosevelt đang được đào tạo lại để sử dụng máy bay F-18 từ mùa thu năm 2006. Đầu năm 2006, Theodore Roosevelt sẽ rời Vịnh Persic và mang theo những chiếc F-14 cuối cùng về "nghỉ hưu" tại căn cứ quân sự Davis-Monthan ở Tucson trên vùng sa mạc Arizonas, Mỹ.

Mới đây, loại máy bay phản lực chiến đấu F-22A "Raptor" đã được chính thức đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, giới am hiểu than phiền không những giá loại máy bay này quá cao, 130 triệu USD một chiếc mà còn là sản phẩm của cuộc Chiến tranh lạnh vì F-22A cũng như máy bay phản lực chiến đấu Eurofighter được chế tạo nhằm mục đích đánh trả máy bay MIG của Liên Xô trên bầu trời châu u.

Theo An Ninh Thế Giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.