NASA và thách thức chinh phục vũ trụ

25/06/2019 15:40 GMT+7

Trong chuyến thăm Việt Nam, cựu Giám đốc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) Charles Frank Bolden Jr. đã chia sẻ với Thanh Niên về các dự án tương lai trong sứ mệnh chinh phục không gian.

Đã 50 năm trôi qua kể từ khi Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng, nhưng bước chân của con người vẫn dừng lại ở đó. Ông nghĩ sao về điều này?
Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Tôi đã nghe một người có ảnh hưởng tại Mỹ lên mạng xã hội nói rằng thám hiểm không gian là điều duy nhất mà Mỹ bị thụt lùi kể từ năm 1969 và tôi hoàn toàn không đồng ý với nhận định đó. Theo tiêu chuẩn của họ, tiến triển bị đánh đồng với số phi hành gia được Mỹ đưa lên mặt trăng. Thế nhưng sự phát triển trong khoa học - công nghệ hiện nay và những lĩnh vực tương tự đều bắt nguồn từ chương trình vũ trụ. Kính viễn vọng James Webb (được mong đợi có thể giúp con người nhìn ngược về thời điểm Big Bang diễn ra) là một ví dụ điển hình, hoặc các bước tiến trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như máy khử rung tim.
Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 9 - 12.6, đặc phái viên khoa học về vũ trụ của Mỹ, thiếu tướng Bolden đã có những hoạt động thúc đẩy khám phá và thương mại hóa vũ trụ cũng như hợp tác quốc tế trong khoa học và công nghệ. Tại Hà Nội, ông gặp gỡ Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, GS Châu Văn Minh, kế đến tiếp xúc với lãnh đạo Trung tâm vũ trụ Việt Nam và Bộ Khoa học - Công nghệ. Ông Bolden lần lượt có bài phát biểu truyền cảm hứng về các cơ hội nghề nghiệp trong khoa học và công nghệ vũ trụ cho các sinh viên Việt Nam tại Trung tâm vũ trụ Việt Nam, Đài thiên văn Hòa Lạc và Đại học Bách khoa TP.HCM. Những sinh viên và các chuyên gia trẻ tham gia sự kiện tại Trung tâm Hoa Kỳ còn có cơ hội trải nghiệm vũ trụ thông qua công nghệ thực tế ảo.

Hiện một bà mụ ở vùng quê có thể tự siêu âm cho thai phụ và gửi dữ liệu qua internet đến một bác sĩ ở cách đó 400 km, để bác sĩ quyết định mọi chuyện đều ổn thỏa hoặc có cần đưa sản phụ đến bệnh viện hay không. Chúng ta không thể làm điều đó nếu không có chương trình vũ trụ. Vì thế tôi không đồng ý với những người cho rằng Mỹ lâm vào tình trạng thoái trào trong lĩnh vực vũ trụ chỉ bởi NASA hiện không có tàu con thoi hay người Mỹ chưa đặt chân lên mặt trăng thêm nữa.
Ông đánh giá thế nào khi Tổng thống Donald Trump mới đây đề nghị cấp thêm 1,6 tỉ USD (37.240 tỉ đồng) cho chương trình quay lại mặt trăng của NASA vào năm 2024?
Ai nấy đều phấn khích trước tin tức trên, nhưng vì tôi từng dẫn dắt NASA và biết rõ quy trình khi một tổng thống tuyên bố chuẩn bị cấp thêm 1,6 tỉ USD cho dự toán ngân sách 21 tỉ USD vào năm 2020. Đó chỉ là bước khởi đầu. Một điều hay ho ở Mỹ là không một cá nhân nào có thể quyết định điều gì sẽ diễn ra. Tổng thống có quyền đề xuất và quốc hội sẽ cho ý kiến đồng ý hoặc bác bỏ. Kết quả là con số 1,6 tỉ USD có thể tăng lên thành 2,6 tỉ USD hoặc giảm xuống còn 0,6 tỉ USD, thậm chí hoàn toàn có khả năng sẽ không có khoản tăng thêm nào.
[VIDEO] Phi hành gia 4 lần bay vào vũ trụ xuất hiện tại TP.HCM
Chúng tôi đang trên đường đưa phi hành gia quay lại mặt trăng và theo kế hoạch vào thời điểm trước khi tôi rời khỏi NASA, con người dự kiến một lần nữa đặt chân lên mặt trăng vào năm 2028. Với tuyên bố của Tổng thống Trump, kế hoạch được đẩy sớm 4 năm và đó là lý do cần thêm 1,6 tỉ USD. Hiện không có cuộc chạy đua vào vũ trụ giống như thời chương trình Apollo. Lúc đó Liên Xô và Mỹ cùng so tài xem ai là người đặt chân lên mặt trăng đầu tiên. Thế nhưng, lần này mục tiêu hoàn toàn khác. Chúng tôi không chỉ muốn quay lại mặt trăng, mà còn muốn sống lâu dài tại đây và tận dụng các tài nguyên tại chỗ để phục vụ các nhu cầu như nạp nhiên liệu cho tên lửa đẩy và đưa con người đến những đích đến khác trong hệ mặt trời. Một mục tiêu khác là tìm kiếm các nguyên tố đất hiếm để sản xuất và chế tạo tại chỗ cho sứ mệnh đến sao Hỏa mà không cần quay về trái đất.
Thế nhưng, NASA hiện vẫn chưa có tàu du hành hoặc tên lửa đẩy hoàn chỉnh?
Đa số các bộ phận của tên lửa đẩy hạng nặng (HLLV - phương tiện đưa phi thuyền vào quỹ đạo thấp của địa cầu) đều đã được thử nghiệm. Bồn lớn chứa nhiên liệu hydrogen lỏng đã hoàn tất và đang trải qua giai đoạn thử nghiệm áp suất ở Huntsville, bang Alabama. Phần còn lại cần làm là tầng trên của tên lửa và một hệ thống đẩy khác, cho phép phóng tàu du hành với tốc độ nhanh hơn trước. Theo tính toán, tên lửa sẽ sẵn sàng lên bệ phóng trong một vài năm tới.
[VIDEO] Cựu giám đốc NASA Charles Bolden: người Việt sẽ có cơ hội làm việc trên trạm không gian ISS
Mỹ tính toán thế nào trong bối cảnh các nước như Nga, Trung Quốc đều muốn chinh phục không gian?
Điều quan trọng nhất hiện nay là các nước đang có sẵn kế hoạch riêng cùng tìm ra điểm chung giữa các bên. Trung Quốc đã tham gia vào việc soạn thảo Kế hoạch hành động thám hiểm không gian (GER). Cuốn đầu tiên được xuất bản vào năm 2013 và chúng tôi vừa công bố phiên bản thứ hai vào năm ngoái. Đây là kết quả thu được từ nỗ lực thảo luận của khoảng 20 quốc gia trong suốt 1 năm, nhằm xác định mục tiêu chinh phục kế tiếp của nhân loại. Và câu trả lời chính là sao Hỏa. Tất cả đều nhất trí rằng con người cần phải đặt chân lên hành tinh đỏ.
Để thực hiện mục tiêu này, các quốc gia tiếp tục cùng nhau thực hiện. Khi người Mỹ chế tạo HLLV, người châu Âu cung cấp tầng trên của tên lửa, cụ thể là khoang đẩy chứa tàu du hành. Người Mỹ có thể nói không với đối tác nhưng chúng tôi không làm như thế. Dự án sẽ không thể nào thành công trừ phi người châu Âu chế tạo xong phần của mình cho tàu du hành Orion. Có lẽ việc hợp tác như thế sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, nhưng về dài hạn, dự án mang tầm quốc tế sẽ có tính bền vững hơn vì nhiều quốc gia cùng nỗ lực đạt được mục tiêu chung.
Thiếu tướng Bolden là giám đốc thứ 12 của NASA. Trong thời gian tại chức (2009 - 2017), ông chịu trách nhiệm giám sát để đảm bảo quá trình chuyển đổi an toàn từ 30 năm thực hiện sứ mệnh tàu con thoi sang kỷ nguyên khám phá mới tập trung vào việc sử dụng tối đa ISS và phát triển công nghệ hàng không - vũ trụ. Trong 14 năm làm phi hành gia, Bolden đã 4 lần bay vào vũ trụ. Vào ngày 24.4.1990, ông tham gia sứ mệnh đưa kính viễn vọng quang học mạnh nhất hiện nay là Hubble lên quỹ đạo. Dưới thời của ông, NASA lần đầu tiên đáp robot thám hiểm tự hành Curiosity lên bề mặt sao Hỏa, phóng phi thuyền đến sao Mộc và triển khai dự án đưa kính viễn vọng James Webb lên không gian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.