Một tòa án Anh ngày 21.1 đưa ra kết luận hai người Nga đã giết cựu điệp viên KGB, Alexander Litvinenko và “rất có thể” Tổng thống Nga Putin đã phê duyệt lệnh này. Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ cáo buộc này của Anh.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 21.1 đã bác bỏ cáo buộc của Toà án Anh cùng ngày nói rằng Tổng thống Putin đã phê duyệt lệnh đầu độc cựu điệp viên KGB đào tẩu là Alexander Litvinenko - Ảnh: Reuters |
Thẩm phán Tòa án Tối cao ở Anh, ông Robert Owen là người dẫn đầu cuộc điều tra về vụ ông Alexander Litvinenko bị đầu độc vào năm 2006.
Theo đó, cuộc điều tra đưa ra kết luận cựu nhân viên KGB, ông Andrei Lugovoi và một người Nga khác tên Dmitry Kovtun đã đầu độc bằng phóng xạ với ông Alexander Litvinenko. Việc đầu độc này xuất phát từ sự chỉ đạo của Tổng cục an ninh Liên bang Nga (FSB), và Tổng thống Nga Putin là người phê duyệt.
“Việc FSB giết chết ông Litvinenko có lẽ đã thông qua sự chấp thuận của ông Patrushev, người sau đó đứng đầu FSB, và cũng được Tổng thống Putin thông qua”, Reuters dẫn lời thẩm phán Robert Owen.
Thẩm phán Owen cũng nói ông chắc chắn rằng Lugovoi và Kovtun đã bỏ polonium 210 (một chất độc dạng đồng vị phóng xạ) vào ly trà của ông Litvinenko vào ngày 1.11.2006 tại quầy bar Pine ở khách sạn Miliennium ở London. Dấu vết của chất phóng xạ này cũng được tìm thấy tại nhiều địa điểm trong thành phố London.
Ông Litvinenko là cựu trung tá an ninh Nga, sống lưu vong tại Anh từ năm 2000 sau khi bị cáo buộc tham nhũng tại Nga. Năm 2006, ông bị bệnh nặng ngay sau khi dùng bữa tại nhà hàng ở London nêu trên.
Hình ảnh tiều tụy của ông Litvinenko sau khi trúng độc ở London năm 2006 - Ảnh: Reuters
|
Phản ứng trước công bố của thẩm phán Robert Owen, Bộ Ngoại giao Nga lập tức lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc.
“Chúng tôi cảm thấy đáng tiếc rằng một trường hợp hoàn toàn thuộc về án hình sự đã bị chính trị hóa và làm hại đến bầu không khí chung của quan hệ song phương. Chúng tôi không thể kỳ vọng rằng các kết quả mang đầy động cơ chính trị và một quá trình điều tra cực kỳ thiếu minh bạch này, vốn đã được bóp méo để đạt được những kết quả ‘cần thiết’, có thể trở nên khách quan và minh bạch”, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova hôm 21.1.
Phía Nga từ trước đến nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng họ đứng sau cái chết của ông Litvinenko. Tuy vậy, mối quan hệ giữa Nga và Anh đã xấu đi sau vụ này, bên cạnh một số mâu thuẫn gần đây về vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga năm 2014, cũng như sự khác biệt trong quan điểm chống khủng bố ở Syria.
Richard Horwell, luật sư đại diện cho cảnh sát London, nói với các nhà điều tra rằng Nga muốn sát hại Litvinenko vì nhiều lý do, trong đó gồm việc đào tẩu sang Anh, ủng hộ phong trào ly khai Chechnya và một số tuyên bố của ông Litvinenko về đời tư của Tổng thống Putin, theo Reuters.
Bình luận (0)