Trong một tuyên bố ngày 22.7, Đại sứ quán Nga tại Washington D.C thông báo ông Kislyak chính thức hoàn thành nhiệm kỳ lãnh đạo phái bộ ngoại giao này. Trong lúc chờ người kế nhiệm, Tham tán công sứ - Phó đại sứ Denis V.Gonchar sẽ đảm nhiệm vị trí đại biện lâm thời. Hãng thông tấn TASS dẫn một số nguồn thạo tin cho biết Moscow sẽ cử Thứ trưởng Ngoại giao Anatoly Antonov tới lấp chỗ trống của ông Kislyak, tuy nhiên Điện Kremlin chưa xác nhận thông tin này.
Ông Kislyak là một trong những nhà ngoại giao kỳ cựu của Nga với 40 năm kinh nghiệm. Tuy vậy, tên tuổi của ông chỉ thực sự được chú ý kể từ khi trở thành đại sứ tại Mỹ vào năm 2008. Ông hiện bị xem là nhân vật mắt xích trong cáo buộc của giới điều tra Mỹ cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2016 để giúp ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump thắng cử. Thậm chí Đài CNN còn đi khá xa khi nghi ngờ ông Kislyak là điệp viên hàng đầu của Nga.
Truyền thông Mỹ gần đây tiếp tục tung ra nghi vấn về các cuộc tiếp xúc giữa ông Kislyak và những cộng sự thân tín của Tổng thống Trump, bao gồm con rể Jared Kushner và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, trong thời gian trước và sau cuộc bầu cử.
Hôm 21.7, tờ The Washington Post dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên cho hay giới tình báo nước này đã nghe lén được thông tin mà ông Kislyak báo về Moscow liên quan đến 2 cuộc nói chuyện với ông Sessions, khi đó là cố vấn chính sách của ứng viên đảng Cộng hòa. Nội dung nghe lén cho thấy ông Sessions và ông Kislyak đã trao đổi về cuộc bầu cử tổng thống cũng như mối quan hệ Nga - Mỹ sau khi ông Trump đắc cử. Tuy nhiên, trong phiên điều trần hồi tháng 6, ông Sessions khẳng định không hề bàn chủ đề đó với bất kỳ quan chức Nga nào.
Đại sứ Nga còn bị cho là nguồn cơn khiến ông Mike Flynn phải từ chức cố vấn an ninh quốc gia hồi tháng 2, sau khi có thông tin ông nhiều lần gặp gỡ ông Kislyak nhưng không báo cáo với Phó tổng thống Mike Pence.
Tuy Moscow luôn bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, nhưng những nghi vấn này khiến quan hệ hai nước tiếp tục gặp nhiều trắc trở.
Theo Reuters, các nghị sĩ Mỹ ở cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ hôm qua đã đạt được một thỏa thuận về dự luật nhằm trói tay Tổng thống Trump trong việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga.
Theo dự luật, tổng thống sẽ phải báo cáo quốc hội về các hành động có thể “làm thay đổi đáng kể” chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nga, bao gồm việc nới lỏng lệnh trừng phạt hay trả lại 2 khu nhà ngoại giao Nga bị Mỹ thu giữ hồi năm ngoái.
Quốc hội có ít nhất 30 ngày để điều trần, sau đó sẽ bỏ phiếu thông qua hoặc bãi bỏ các đề xuất của Tổng thống Trump.
Nhiều nghị sĩ hy vọng dự luật sẽ gửi thông điệp để chủ nhân Nhà Trắng duy trì lập trường cứng rắn với Nga. Dự kiến Hạ viện sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên vào ngày 25.7.
Bình luận (0)