Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc chủ động ly hôn

04/03/2011 14:16 GMT+7

(TNO) Tòa án nhân dân quận Thuận Nghĩa (Bắc Kinh, Trung Quốc) mới công bố thống kê có 70% trường hợp ly hôn bắt nguồn từ đề nghị của các bà vợ. Theo China Daily hôm 4.3, con số này phản ánh chung cho xu hướng ngày càng nhiều phụ nữ tại đất nước đông dân nhất hành tinh chủ động xin ly hôn.

Thống kê nói trên được tổng hợp dựa trên xấp xỉ 800 trường hợp ly hôn đã được tòa xử lý năm 2010.

Mặc dù chưa có thống kê tương tự ở những nơi khác của Trung Quốc nhưng người ta tin rằng ngày càng có nhiều bà vợ tại đất nước này chủ động đề nghị ly hôn với những ông chồng bạo lực hoặc ngoại tình.

Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc cũng vừa đưa ra dự luật về hôn nhân. Theo đó, các bà vợ có thể đòi lại tiền bạc hoặc tài sản đã rơi vào tay những người tình của chồng mình.

 
Quan niệm về hôn nhân và ly hôn, nhất là trong giới trẻ, đã thay đổi rất nhiều ở Trung Quốc - Ảnh: AFP

"Ngày càng nhiều phụ nữ không cảm thấy xấu hổ khi ly dị chồng. Thay vào đó, họ ngày càng ý thức hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình", một thẩm phán họ Cao của Tòa án nhân dân quận Thuận Nghĩa nhận định.

Thống kê của Tòa án nhân dân quận Thuận Nghĩa cũng cho thấy, có 35% các cặp ly hôn xuất phát từ nguyên nhân xung khắc nhau, 27% do ngoại tình, và 25% do bạo lực gia đình.

Tỉ lệ ly hôn ở giới 8x cũng đang có xu hướng tăng.

Cuộc thống kê cũng cho thấy, 25% cặp vợ chồng quyết định ly hôn sau khi đã có hơn 20 năm chung sống và họ thường trì hoãn quyến định đó để tránh ảnh hưởng đến con cái.

Ở TP Phận Sơn (tỉnh Quảng Đông), phần lớn vụ kiện tụng ly hôn bắt nguồn từ những người vợ buồn chán chồng, theo tờ Southern Mertopolis Daily hôm 3.3.

Theo thống kê của Bộ Dân chính Trung Quốc, năm 2010, cả nước này có 1,96 triệu cặp vợ chồng nộp đơn xin ly hôn, trong số đó chỉ có 1,2 triệu cặp hòa giải thành công.

Kể từ 2003, khi mà Bộ Dân chính thực hiện đơn giản hóa thủ tục đăng ký kết hôn và ly hôn, tỉ lệ ly hôn ở nước đông dân nhất thế giới tăng trung bình 7,6% mỗi năm.

Tuy nhiên, theo Giáo sư luật họ Giang của Đại học Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến), hầu hết các bà vợ bị chồng bạo hành đều gặp khó khăn trong việc tìm chứng cứ để chứng minh mình bị đánh đập.

"Họ chỉ có thể chụp hình những vết thương trên cơ thể để cung cấp cho cơ quan chức năng, chứ khó mà chứng minh được đó là vết thương do chồng mình gây ra", Giáo sư Giang nói.

Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.